Cô Mawahib Mohammed, 47 tuổi, là một công dân Sudan nhưng lớn lên tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đến tuổi vào đại học, cô trở về thủ đô Khartoum của Sudan theo học ngành y và quen biết người chồng hiện tại của mình ở nơi đây. Tốt nghiệp đại học, cô làm việc cho một dự án y tế do Liên hợp quốc triển khai tại quốc gia Đông Phi này.

Một thời gian sau, gia đình cô quay lại UAE. Sau cuộc đảo chính tại Sudan hồi năm 2019, trong khi người chồng tiếp tục ở lại Dubai (UAE) làm việc, cô cùng các con quyết định trở về Khartoum. Mong muốn của người phụ nữ Sudan là các con biết được về nguồn cội cũng như bản thân cô được tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Và rồi chiến sự nổ ra vào giữa tháng 4 vừa qua cũng trùng thời điểm chồng cô đang ở Sudan nhân dịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

leftcenterrightdel
 Một gia đình Sudan vừa xuống bến xe ở thành phố Aswan, Ai Cập. Ảnh: The New York Times

Mặc dù ban đầu chưa hề có ý định nhưng gia đình cô Mohammed sau đó quyết định đã đến lúc cần phải rời khỏi Sudan khi một ngân hàng gần nhà họ ở Khartoum bị cướp phá. "Tôi từng có niềm hy vọng với Sudan. Tôi chưa từng nghĩ có ngày mình lại rời đi", tờ The New York Times dẫn lời cô Mohammed trong một bài viết mới đây.

Các trạm xăng và các hãng xe khách bắt đầu hét giá trong khi thẻ tín dụng không sử dụng được. Vì vậy, gia đình cô Mohammed buộc phải mượn tiền mặt từ bạn bè vừa đủ để đổ xăng chạy xe tới bến xe mua vé đi Ai Cập-quốc gia láng giềng ở phía Bắc.

Từ Khartoum, họ mất khoảng 18 tiếng đồng hồ và vượt qua 6 chốt kiểm soát an ninh trước khi đến thị trấn biên giới Wadi Halfa vốn cũng đông đúc và hỗn loạn bởi dòng người chạy nạn. Tại đây, họ được cấp giấy tờ thông hành khẩn cấp và chờ thêm 5 ngày nữa mới bắt được xe khách chở đến Aswan-một thành phố lớn của Ai Cập ở gần biên giới nhất.

Theo tờ The New York Times, gia đình cô Mohammed nằm trong số hơn 52.500 công dân Sudan và gần 4.000 công dân nước ngoài đã vượt biên sang Ai Cập vốn có chung ngôn ngữ và mối liên hệ về văn hóa, lịch sử sâu sắc với Sudan kể từ khi giao tranh bùng phát giữa SAF và RSF. Giới chức Ai Cập cho biết, những công dân này nhìn chung có điều kiện khá giả và đã buộc phải chi những khoản tiền mặt cuối cùng của mình cho hành trình chạy nạn về phía Bắc mà họ mô tả là "khó khăn, hỗn loạn và bị chặt chém".

Chính phủ Ai Cập đã nới lỏng kiểm soát biên giới đối với những người chạy nạn từ Sudan sang, cho phép phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi được miễn thị thực, bố trí thêm nhiều chuyến tàu hỏa và xe khách đưa họ tới Aswan. Cùng với đó, họ được người dân địa phương tại Ai Cập chào đón, hỗ trợ nơi ăn chốn ở. Cả Cairo và Liên hợp quốc đều lo ngại sự gia tăng làn sóng người tị nạn Sudan chạy sang Ai Cập trong bối cảnh hết lệnh ngừng bắn này tới lệnh ngừng bắn khác liên tục bị vi phạm và giao tranh vẫn tiếp diễn. Có nhiều người đã chọn ở lại Aswan tìm việc làm, trong khi cũng có những người như gia đình cô Mohammed quyết định đi tiếp để bắt đầu một cuộc sống mới, có thể là tại Cairo, Dubai hay một nơi nào khác. "Có những người chỉ biết là cứ chạy sang Ai Cập rồi tính tiếp. Họ giờ đây đang cố gắng tính toán xem kế hoạch B của mình là gì", anh Mahmoud Abdelrahman, 35 tuổi, một tình nguyện viên người Canada gốc Sudan tại Aswan chia sẻ.

Hiện chưa rõ có chính xác bao nhiêu người tị nạn Sudan vẫn đang chờ đợi tại hai cửa khẩu giáp Ai Cập mặc dù số lượng đã giảm đi khi thủ đô Khartoum không còn nhiều người "có đủ tiền để chi trả cho cuộc chạy nạn". Đây là những người không thể rời khỏi Sudan ra nước ngoài, dù là chạy sang Ai Cập, Ethiopia, Cộng hòa Chad hay vượt Biển Đỏ tới Saudi Arabia. Lựa chọn duy nhất của họ chỉ là chạy khỏi Khartoum tới một khu vực khác tại Sudan.

Theo tờ The New York Times, trong khi ở phía bên này biên giới thuộc Ai Cập, những người tị nạn được hỗ trợ nhân đạo và chăm sóc y tế thì ở phía bên kia biên giới thuộc Sudan-nơi thiếu thốn thức ăn, nước uống cũng như nhà vệ sinh, không ít người đã thiệt mạng dưới cái nắng như thiêu đốt. Nhiều người khác đang chờ vượt biên sang Ai Cập lại trở thành con mồi cho các băng đảng tội phạm có vũ trang.

HOÀNG VŨ