Gi-bran-ta - thuộc địa cuối cùng ở châu Âu
Gi-bran-ta được Tây Ban Nha nhượng lại cho Anh từ năm 1713, theo Hiệp ước Utrecht. Kể từ đó đến nay, Gi-bran-ta vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Anh bất chấp những nỗ lực của Ma-đrít nhằm giành lại bán đảo này, bao gồm một cuộc vây hãm không thành công của Tây Ban Nha kéo dài gần 4 năm (1781-1783). Dưới chế độ độc tài của tướng Phran-xi-xcô Phran-cô (Francisco Franco), Tây Ban Nha đã đóng cửa biên giới hoàn toàn với Gi-bran-ta. Biên giới chỉ được mở lại hoàn toàn trước khi Tây Ban Nha gia nhập EU năm 1985, 10 năm sau khi ông Phran-xi-xcô Phran-cô qua đời. Tuy nhiên, Tây Ban Nha vẫn tiếp tục tuyên bố Gi-bran-ta là lãnh thổ của nước này và đây chính là nguồn gốc gây ra những căng thẳng giữa Anh và Tây Ban Nha lâu nay.
Người dân nhập cảnh vào Gi-bran-ta tại khu vực cửa khẩu giáp với Tây Ban Nha ở La Linea de la Concepcion. Ảnh: Reuters
Tuy “bé hạt tiêu” với diện tích 6,8km
2 và có dân số 32.000 người nhưng Gi-bran-ta nằm ở vị trí cực kỳ quan trọng cả về quân sự lẫn thương mại. Được bao quanh bởi nhiều quốc gia của châu Á, châu Phi và châu Âu nên Địa Trung Hải là vùng biển gần như khép kín, chỉ thông với Đại Tây Dương qua eo biển duy nhất là Gi-bran-ta. Do đó, đây là một trong những tuyến giao thông hàng hải có lưu lượng tàu bè cao nhất thế giới. Năm 2012, trong lúc Anh tăng trưởng 0,2%, Tây Ban Nha suy thoái 1,4% thì Gi-bran-ta vẫn thảnh thơi với GDP tăng 7,8% và hầu như không biết khái niệm thất nghiệp là gì. Bán đảo này được xem là “thiên đường thuế” nên thu hút được nhiều công ty nước ngoài. Ngay chính người dân Gi-bran-ta cũng không muốn quay về với Tây Ban Nha vì họ sợ sẽ phải đóng thêm nhiều khoản thuế. Theo kết quả trưng cầu năm 2002, gần 99% cử tri tại đây phản đối việc Anh chia sẻ chủ quyền với Tây Ban Nha tại Gi-bran-ta.
Trấn an
Sau sự kiện Anh quyết định ra khỏi EU, đã xuất hiện nhiều quan ngại về tương lai của vùng lãnh thổ Gi-bran-ta. Ngoài 32.000 người cư trú tại Gi-bran-ta, còn có khoảng 10.000 người hằng ngày qua lại làm việc giữa Gi-bran-ta và khu vực Campo de Gibraltar của Tây Ban Nha bao quanh vùng lãnh thổ này. Những người này lo ngại Tây Ban Nha sẽ siết chặt biên giới sau Brexit.
Các nhà lãnh đạo Anh và Tây Ban Nha đã lên tiếng trấn an người dân tại Gi-bran-ta. Thủ tướng Anh Thê-rê-xa Mây (Theresa May) tái khẳng định lập trường của Anh luôn ủng hộ người dân cũng như sự phát triển kinh tế của vùng lãnh thổ này. Thủ tướng Anh cam kết phối hợp với chính quyền Gi-bran-ta để có được kết quả tốt nhất có thể từ tiến trình Brexit. Bà khẳng định Luân Đôn luôn coi Gi-bran-ta là một thể thống nhất với Anh trong tiến trình Brexit.
Về phần mình, Ngoại trưởng Tây Ban Nha An-phông-xô Đát-tít (Alfonso Dastis) khẳng định, Ma-đrít không có ý định đóng cửa biên giới của nước này với Gi-bran-ta, những người Tây Ban Nha sống tại khu vực xung quanh Gi-bran-ta và làm việc tại vùng lãnh thổ này hãy yên tâm về cuộc sống và công việc.
Tuy nhiên, giữa Anh và Tây Ban Nha vẫn còn nhiều khác biệt về vấn đề chủ quyền vùng lãnh thổ Gi-bran-ta thời “hậu Brexit”. Trước đây, trong hai cuộc trưng cầu hồi năm 1967 và 2002, người dân vùng lãnh thổ hải ngoại này đều mong muốn thuộc về Anh, phản đối việc chia sẻ chủ quyền với Tây Ban Nha, song họ hoàn toàn không đồng tình với việc Anh rời khỏi EU. Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ, nếu EU áp dụng mọi thỏa thuận ký kết với Anh cho Gi-bran-ta, vô hình trung họ sẽ công nhận vùng đất này thuộc về Anh. Khi đó, Tây Ban Nha có thể sẽ phản đối bằng cách phủ quyết mọi kết quả đàm phán mà EU đạt được với Anh. Đây sẽ là một kịch bản tồi không chỉ đối với Anh mà cả với EU.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc Anh tiếp tục giữ vùng lãnh thổ nhỏ bé ở bờ biển Địa Trung Hải có thể cũng tốt cho Tây Ban Nha. “Nếu Anh trao trả Gi-bran-ta, người dân xứ Catalan, những người đánh mất quyền tự chủ của họ vào tay Tây Ban Nha do quy định của Hiệp ước Utrecht, có thể xem đó là một tiền lệ thú vị”, tờ The Economist nhận định.
BÌNH NGUYÊN