Bởi vậy, bất chấp sự phản đối từ đối tác Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền, ông Lindner đang tìm cách thúc đẩy việc tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân, như một biện pháp cứu cánh cho cuộc khủng hoảng khí đốt.

Ông Lindner đã kêu gọi Đức ngừng sản xuất điện bằng khí đốt sau khi Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 20% công suất, bắt đầu từ ngày 27-7. Trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào suy thoái do khủng hoảng khí đốt, ông Lindner, chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Tự do (FDP) phát biểu trên tờ Bild am Sonntag: “Chúng ta phải làm tất cả để tránh một cuộc khủng hoảng điện bên cạnh cuộc khủng hoảng khí đốt”, đồng thời kêu gọi cho phép các nhà máy điện hạt nhân của Đức kéo dài hoạt động đến năm 2024. Theo lộ trình, Đức đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân vào năm ngoái và sẽ tiếp tục đóng cửa 3 nhà máy còn lại vào cuối tháng 12 năm nay.

Nhà máy điện hạt nhân Isar-II tại Bavaria (Đức) dự kiến ngừng hoạt động vào cuối năm 2022. Ảnh minh họa: Wikipedia 

Lời kêu gọi của ông Lindner tiếp tục khoét sâu những mâu thuẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền gồm 3 đảng của Đức. Đồng lãnh đạo Đảng Xanh, bà Ricarda Lang khẳng định, việc ủng hộ tiếp tục vận hành nhà máy điện hạt nhân “chắc chắn sẽ không xảy ra với chúng tôi”, bởi theo quan điểm của đảng này, việc sản xuất năng lượng hạt nhân vẫn là một “công nghệ mang tính rủi ro cao”. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, thành viên Đảng Xanh, cũng đã lên tiếng phản đối năng lượng hạt nhân, song lại ủng hộ việc sử dụng than đá trong tình hình hiện nay. “Đó là điều cay đắng, nhưng vô cùng cần thiết trong tình hình phải giảm lượng tiêu thụ khí đốt hiện nay. Nếu chúng ta không làm vậy, các cơ sở có thể sẽ không dự trữ đủ lượng khí đốt cần thiết cho mùa đông năm nay”, ông Habeck phát biểu.  

Động thái trì hoãn việc loại bỏ điện hạt nhân cũng gây khó xử cho Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền. Thủ tướng Scholz không đồng tình với quan điểm duy trì nhà máy điện hạt nhân và cho rằng sẽ rất khó cung cấp kịp thời các thanh nhiên liệu hạt nhân cần thiết cho việc tiếp tục vận hành các nhà máy này. Chính phủ Đức cũng chưa có kế hoạch khả thi để có thể nhanh chóng tăng sản lượng của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại, mà theo thống kê trong quý I-2022 chỉ cung cấp 6% sản lượng điện năng của cả nước Đức. Cho đến nay, chính phủ đương nhiệm vẫn cho rằng việc duy trì các lò phản ứng hạt nhân là phức tạp về mặt pháp lý và kỹ thuật, không nhất thiết giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng khí đốt.

Tuy nhiên, đề xuất của Bộ trưởng Lindner về việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân lại nhận được sự ủng hộ của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU)-đảng đối lập lớn nhất tại Đức. CDU đã đề nghị hủy bỏ kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.

Tháng trước, Ủy viên Thị trường nội khối Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton cũng lên tiếng kêu gọi Đức duy trì vận hành các nhà máy điện hạt nhân thêm một thời gian nữa. Theo ông Breton, việc duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân là vì lợi ích của cả châu Âu, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt đang diễn biến ngày càng trầm trọng trong khu vực EU.

Việc sử dụng năng lượng hạt nhân như một giải pháp “xanh” thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch lâu nay đã trở thành vấn đề gây tranh cãi ở Đức. Hàng chục năm qua, Đảng Xanh cho rằng hiểm họa môi trường từ rác thải hạt nhân lớn hơn nhiều so với lợi ích mà điện hạt nhân mang lại. Tuy nhiên, chính phủ bảo thủ dưới thời Thủ tướng Angela Merkel của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) lại không mấy mặn mà với việc loại bỏ năng lượng hạt nhân, cho đến khi thảm họa Fukushima xảy ra ở Nhật Bản năm 2011 mới khiến bà Merkel thay đổi quan điểm và ủng hộ việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân theo lộ trình.

Việc Gazprom cắt giảm nguồn cung đang làm dấy lên lo ngại rằng Đức sẽ không có đủ khí đốt cho mùa đông tới, khi đó sẽ khó tránh khỏi những tác động tai hại có thể xảy ra đối với cộng đồng dân cư và các ngành sản xuất công nghiệp của nước này. Để xoa dịu những lo ngại đó, Chính phủ Đức đã bật đèn xanh cho 10 nhà máy nhiệt điện than, vốn đã ngừng hoạt động, được khởi động lại. 11 nhà máy nhiệt điện than khác dự kiến ngừng hoạt động vào tháng 11 tới cũng sẽ được phép tiếp tục hoạt động, theo trang tin DW.  

HÀ PHƯƠNG