Theo AFP, khi các bữa tiệc chay được tổ chức khắp nơi trên thế giới để chào mừng tháng lễ Ramadan, hàng triệu người dân Afghanistan vẫn đang vật lộn với nạn đói. Maria, một bà mẹ 3 con sống ở thủ đô Kabul chia sẻ: “Chúng tôi không có gì để ăn trong dịp iftar (bữa tối)... Chúng tôi cũng sẽ không thể tổ chức lễ Eid al-Fitr (lễ hội đánh dấu kết thúc tháng Ramadan)”. Maria có chồng nghiện ma túy, là trụ cột duy nhất của gia đình. Nhưng lực lượng Taliban lên nắm quyền vào năm 2021 đã ban hành lệnh cấm phụ nữ ra ngoài làm việc.

Abdul Qadir là một trong hơn 500.000 người tị nạn và người di cư Afghanistan bị trục xuất khỏi nước láng giềng Pakistan kể từ tháng 10 năm ngoái. Không còn sinh kế để nuôi gia đình, Qadir cho biết gia đình anh cũng không thể cử hành tháng Ramadan năm nay: “Không thể nhịn ăn khi bạn không có gì để ăn... Chúng tôi không có việc làm, không có đồng nào cả”.

leftcenterrightdel

Phụ nữ Afghanistan chờ nhận lương thực viện trợ do một tổ chức từ thiện phân phát trong tháng lễ Ramadan ở Kandahar. Ảnh: AFP 

Theo Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc, khoảng 24 triệu người trong tổng dân số 40 triệu người Afghanistan cần được hỗ trợ nhân đạo để vượt qua nạn đói trong năm nay. Trong số 4 triệu người Afghanistan bị suy dinh dưỡng trầm trọng, có tới hơn 3 triệu là trẻ em dưới 5 tuổi.

Nền kinh tế sụp đổ do các lệnh bao vây cấm vận của quốc tế, xuất khẩu sụt giảm, đồng tiền mất giá, các thảm họa thiên nhiên như động đất và hạn hán... đã làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Nhiều người Afghanistan đang thu hẹp quy mô hoặc thậm chí không thể thực hiện các nghi lễ quan trọng trong tháng lễ linh thiêng của người Hồi giáo.

TUẤN MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.