Theo The Times of India, công viên có diện tích 18.200m2 do Tập đoàn Đô thị Delhi (MCD) đầu tư với kinh phí 150 triệu rupee (khoảng 1,8 triệu USD), được tạo dựng qua bàn tay và khối óc của nhiều nghệ sĩ cùng với 700 nghệ nhân trong hơn 6 tháng theo chủ đề “Waste to Art” (tạm dịch: Từ phế liệu đến nghệ thuật). Cụ thể, có tới 250 tấn phế liệu bao gồm xe tải cũ, ôtô, cột điện, đường ống, sắt thép, xe kéo... đã được sử dụng. Bên cạnh đó, người ta còn trồng gần 56.000 cây xanh và cây bụi xen kẽ.

Khách tham quan trong ngày Công viên Shaheedi mở cửa. Ảnh: Hindustan Times 

Hàng nghìn bức tượng, tượng đài và tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tinh xảo, tuyệt đẹp để tưởng nhớ các sự kiện quan trọng, những cá nhân nổi bật và các giai đoạn lịch sử với những nền văn hóa khác nhau góp phần hình thành nên đất nước Ấn Độ ngày nay. Ngoài không gian mang tính biểu tượng trên, điểm độc đáo của công viên này còn thể hiện ý nghĩa về sự đoàn kết và tinh thần đấu tranh của người dân quốc gia Nam Á. Mặt khác, địa điểm này còn đóng vai trò là một trung tâm giáo dục, truyền đạt những kiến thức quý giá trong hành trình tiến tới tự do và tiến bộ của đất nước sông Hằng cho người dân và du khách.

“Với sự kết hợp của ánh đèn đầy màu sắc và cách trang trí công phu, những sản phẩm tạo các anh hùng dân tộc của Ấn Độ và những nhân vật nổi tiếng đã hy sinh vì độc lập và chủ quyền đất nước sẽ giúp mọi người hình dung được lịch sử huy hoàng của Ấn Độ”, MCD viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

TÙNG QUÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.