Các nguồn tin nêu rõ rằng hiện “chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra". Tuy nhiên, The Economic Times nhận định, nếu được thông qua, biện pháp này sẽ đánh dấu một nỗ lực mới nhằm tái khẳng định chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump và có thể gây ảnh hưởng tới dòng hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới nhập khẩu vào Mỹ.
The Economic Times cũng cho rằng chiến lược này không hoàn toàn mới và đây là một giải pháp dự phòng đang được xem xét sau khi những thách thức pháp lý gần đây đã làm gián đoạn cách tiếp cận ban đầu của ông Donald Trump đối với thuế thương mại.
 |
Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ, ngày 2-4-2025. Ảnh: Getty Images
|
Thông tin nói trên xuất hiện sau khi Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ ngày 28-5 ra quyết định chặn kế hoạch áp thuế quan diện rộng của Tổng thống Donald Trump nhằm vào các đối tác thương mại của Washington trên toàn thế giới dựa trên Đạo luật quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế năm 1977 (IEEPA) với mức thuế cơ sở là 10% và có thể cao hơn, tùy vào từng đối tác. Hội đồng gồm 3 thẩm phán của Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ cho rằng Hiến pháp Mỹ trao cho Quốc hội chứ không phải tổng thống quyền đánh thuế và áp đặt thuế quan, và rằng Tổng thống Donald Trump đã vượt quá thẩm quyền của mình khi viện dẫn IEEPA-một đạo luật nhằm giải quyết các mối đe dọa trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia. Tiếp đó, Tòa án liên bang ở Washington D.C cũng đã ra phán quyết chống lại kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump đối với hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới.
Đáp lại, chính quyền của ông Donald Trump lên tiếng phản đối cả hai phán quyết nói trên. Theo AFP, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích gay gắt phán quyết của Tòa án thương mại quốc tế Mỹ và gọi đây là phán quyết "kinh khủng", trong khi Bộ Tư pháp Mỹ gọi đây là hành động xâm phạm sai quy định đối với quyền hành pháp của tổng thống.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất được truyền thông Mỹ và thế giới đăng tải, chiều 29-5 (giờ địa phương), Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ đã ra phán quyết cho phép chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp thuế diện rộng đối với hầu hết đối tác thương mại của nước này. Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ không nêu rõ lý do dẫn tới việc đưa ra phán quyết này.
Trong bối cảnh kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump vấp phải những vấn đề liên quan tới pháp lý, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố các đối tác thương mại của nước này, trong đó có Nhật Bản, vẫn đang tiếp tục các cuộc đàm phán và nỗ lực hoàn tất các thỏa thuận thương mại với Washington. Ông Bessent nhấn mạnh không có sự thay đổi nào trong thái độ của các đối tác kể từ khi Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ ra phán quyết chống lại các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News, Bộ trưởng Tài chính Bessent cũng tiết lộ rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc "đang có phần đình trệ", đòi hỏi các nhà lãnh đạo của hai nước phải nói chuyện trực tiếp. “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thêm nhiều cuộc đàm phán với họ trong vài tuần tới”, ông Bessent chia sẻ, đồng thời nói thêm rằng có thể sẽ có một cuộc gọi giữa các nhà lãnh đạo của Washington và Bắc Kinh “vào một thời điểm nào đó”.
ANH VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.