Khoảng cách giữa hai quần đảo Aleut và Komandor là 370km, nơi đây có đường biên giới chung Nga – Mỹ. Cư dân gốc sinh sống tại đây là tộc người Aleut, họ đã được tách thành hai nhóm vào giữa thế kỷ XIX sau khi Đế quốc Nga bán vùng đất Alaska cho Hoa Kỳ, nhưng đến nay họ vẫn duy trì liên lạc và giao tiếp với nhau. Người dân tộc Aleut trên cả hai bờ eo biển Bering hiện đang đối mặt một vấn đề giống nhau: ngôn ngữ và phong tục tập quán đang dần bị mai một, những đại diện cuối cùng cho nền văn hóa người Aleut cũng đang rời bỏ xứ.
 |
Vị trí trên bản đồ quần đảo Aleut và Komandor. Ảnh: Google Maps |
Hòn đảo hẻo lánh
Ngày nay trên thế giới còn khoảng gần 15 nghìn người Aleut sinh sống, phần lớn là ở bang Alaska của Hoa Kỳ. Còn tại Nga hiện chỉ còn 300 người (đây là một trong những dân tộc ít người nhất của Nga), và thực tế là họ sống tập trung ở làng Nikolskoye (dân số tại đây tổng cộng chỉ có hơn 600 người). Đây là khu dân cư duy nhất trên đảo Bering, hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Komandor.
Người Aleut thuộc bang Alaska di cư đến quần đảo Komandor vào năm 1826, khi công ty liên doanh Nga – Mỹ đưa họ đến để làm các nghề truyền thống. Người Aleut từ đảo Atka đến sinh sống tại làng Nikolskoye trên đảo Bering. Còn người Aleut từ đảo Attu bắt đầu đến sinh sống tại làng Preobrazensky trên đảo Medny. Cuối thế kỷ XVII, do dịch bệnh đậu mùa nên dân số người Aleut bắt đầu sụt giảm nhanh chóng. Đến thời điểm bán vùng đất Alaska vào năm 1867 thì chỉ còn lại gần 2 nghìn người Aleut, còn tại Nga thì số lượng này là 500 người (300 trên đảo Bering và 200 trên đảo Medny).
 |
Hai cậu bé người Aleut sinh sống trên đảo Bering thời Liên Xô. Ảnh: A. Kudrya/Sputnik |
Năm 1970, người dân trên đảo Medny được đưa đến đảo Bering, và ngày nay trên quần đảo Komandor vẫn còn một khu dân cư, đó là làng Nikolskoye.
Ngày nay, tại ngôi làng này có Trung tâm tham quan Khu bảo tồn Komandor, trường học, bệnh viện, bảo tàng địa phương chí. Người Aleut sinh sống bằng nghề đi biển, tuy nhiên cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn.
 |
Quang cảnh làng Nikolskoye. Ảnh: Alexander Petrov/TASS |
Khí hậu khắc nghiệt, không có các trò giải trí, mùa hè mỗi tuần chỉ có vài chuyến bay đến Petropavlovsk-Kamchatka, không có tuyến chuyên chở hành khách bằng đường biển, cho nên thanh niên thường bỏ lên đất liền sinh sống.
Ngôn ngữ đang ngày càng mai một
Đầu tháng 3-2021, người dạy phương ngữ Bering cuối cùng là cụ bà Vera Timoshenko đã qua đời. Và tại làng Nikolskoye hiện nay chỉ còn lại đúng một người có thể sử dụng thành thạo tiếng Aleut, đó là cụ ông Gennady Yakovlev.
 |
Sân bay tại Nikolskoye. Ảnh: Alexander Petrov/TASS |
Ở tuổi 86, cụ ông hát những bài hát bằng tiếng Aleut, dạy các điệu nhảy và giúp người dân địa phương giao tiếp với người Aleut Hoa Kỳ đến từ Anchorage và quần đảo Aleut, đó là tại những buổi hội nghị trực tuyến về đại dịch được tổ chức thường xuyên. Ngôn ngữ mà thế hệ ông bà sử dụng, nhiều người vẫn hiểu, tuy nhiên từ lâu trong sinh hoạt hằng ngày họ vẫn giao tiếp bằng tiếng Nga, còn ở trường thì không được dạy.
Tiếng Aleut có hai phương ngữ chính (phương ngữ phía Tây bao gồm Bering, và phương ngữ phía Đông), cũng như tiếng Medny (pha lẫn giữa tiếng Nga và tiếng Aleut). Ngoài ra tại Hoa Kỳ, để viết thì người ta sử dụng hệ chữ Latin, còn ở Nga thì sử dụng hệ chữ Cyrillic. Tuy nhiên, sự phức tạp của việc học không phải trong vấn đề này, mà là do có rất ít tài liệu sách giáo khoa và người nói trực tiếp, bà Elena Solovanyuk – Phó trưởng chính quyền địa phương cho hay. Bà từng dạy tiếng Aleut tại Trường Đại học các dân tộc phương Bắc ở thành phố Saint-Petersburg (Nga).
 |
Các nhà khoa học của Mỹ Clifford Fiscus, Ansell Johnsom và tiến sĩ sinh vật học Victor Arsenyev (bìa phải) trên đảo Medny, quần đảo Komandor. Ảnh: Lev Garkavy/Sputnik |
“Komandor là quê hương của tôi. Tôi có bố là người dân tộc Nga, còn mẹ là người dân tộc Aleut. Ông bà ngoại tôi là người Aleut đến từ đảo Medny. Tôi rất quan tâm đến lịch sử và văn hóa của người Aleut. Thời bé, tôi có nghe người dân địa phương nói với nhau bằng tiếng Aleut, nếu có ai đó không biết tiếng thì họ sẽ dịch ra tiếng Nga”, bà Elena nói.
Tại làng Nikolskoye, bà Elena có vài năm tổ chức lớp dạy ngôn ngữ Aleut miễn phí cho người lớn. “Chúng tôi dựng kịch bản bằng tiếng Aleut, viết những mẩu truyện ngắn và gửi đi tham dự các cuộc thi cấp vùng, làm đồ lưu niệm có in chữ viết Aleut”, bà Elena nói.
Những người dân tộc Aleut ở Hoa Kỳ cũng gặp vấn đề về việc học tiếng mẹ đẻ của mình. Ông Rodion Kosorukov (người Mátxcơva) suốt cả đời nghiên cứu các ngôn ngữ hiếm và một lần đã quyết định tự học tiếng Aleut theo sách giáo khoa. Không có báo chí, không có đài phát thanh và cũng không có bộ phim nào sử dụng tiếng Aleut. Để giao tiếp với người nói ngôn ngữ này, ông Rodion bắt đầu tích cực tìm kiếm người Aleut trên mạng xã hội, nhưng việc này cũng không hề đơn giản.
“Chỉ có một phụ nữ đến từ quần đảo Aleut mà tôi tìm thấy là có thể phản hồi cho tôi. Cô ấy nói chuyện với tôi không nhiều, nhưng sau đó lại nói rằng, cô không sõi lắm về ngôn ngữ để có thể nói chuyện lâu bằng tiếng Aleut. Tôi còn viết thư cho một vị linh mục, vị này sau đó trả lời là có hiểu, nhưng không biết viết bằng tiếng Aleut, mặc dù có thể nói chuyện được với những con chiên lớn tuổi. Ông ta giao tiếp với tôi bằng tiếng Nga, còn tôi thì trả lời bằng tiếng Aleut”, ông Rodion kể lại.
 |
Nhóm vũ điệu Aleut. Ảnh: Aleutian Star
|
Bảo tồn di sản văn hóa của người Aleut là công việc không đơn giản, bởi toàn bộ công việc này diễn ra tại vùng đất cực Đông của nước Nga. Dưới sự chủ biên của bà Elena Solovanyuk, đã ra mắt cuốn từ điển Nga – Aleut bằng tranh nằm hỗ trợ trong công tác giảng dạy.
“Chúng tôi muốn con cháu chúng tôi biết dù chỉ một ít từ tiếng Aleut”, bà Galina Koroleva – Chủ tịch Hội đồng thị chính khu vực Aleut nói. Bà cũng có bố là người dân tộc Nga còn mẹ là người dân tộc Aleut đến từ đảo Medny, vì vậy bà hiểu được tiếng Aleut.
QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)