Theo Euronews, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã đề xuất những quy định mới, trong đó yêu cầu các công ty phải chứng minh những tuyên bố về môi trường của họ bằng nhiều bằng chứng khoa học đáng tin cậy. Quy định mới này được đề ra nhằm loại bỏ tình trạng dán nhãn môi trường không đúng thực chất và tràn lan trên mọi loại hàng hóa từ quần áo cho đến mỹ phẩm ở châu Âu.

“Trước hết, chúng tôi muốn người tiêu dùng nhận được thông tin đáng tin cậy, nhất quán và có thể kiểm chứng được. Chúng tôi muốn các nhãn môi trường minh bạch hơn và tất nhiên là dễ hiểu hơn”, ông Virginijus Sinkevicius, Cao ủy châu Âu về môi trường, đại dương và nghề cá, nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới các sản phẩm gắn nhãn môi trường. Ảnh: Getty Images. 

Cụ thể, các công ty muốn dán nhãn môi trường sẽ phải trải qua quá trình xác minh độc lập trước khi đưa hàng hóa của họ lên kệ trong siêu thị. Các công ty có trụ sở bên ngoài EU đưa ra tuyên bố xanh đang nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng của khối cũng không nằm ngoại lệ. Những công ty phớt lờ quy định mới và tiếp tục thực hiện hành vi “greenwashing” (tạm dịch: Tẩy xanh) sẽ bị phạt, chẳng hạn như phạt tiền và tạm thời bị loại khỏi hoạt động mua sắm công.

Theo EC, quy định mới sẽ được áp dụng với tất cả sản phẩm tiêu dùng bán trong EU, trừ những sản phẩm được bảo vệ bởi các luật hiện hành của khối đối với một số nhãn nhất định như nhãn sinh thái của EU và thực phẩm dán nhãn hữu cơ. Cục Môi trường châu Âu (EEB) coi quy định mới do EC đề xuất là một công cụ đầy hứa hẹn để xóa bỏ những tuyên bố xanh sai lệch. Các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ thảo luận về vấn đề này trước khi đi đến quyết định ban hành luật chính thức.

Việc EC đưa ra các quy định mới về nhãn môi trường cho thấy nỗ lực lớn của châu Âu trong cuộc chiến chống hành vi “tẩy xanh”. Đây là một chiến lược tiếp thị được sử dụng để khoác lên sản phẩm và dịch vụ lớp vỏ bọc thân thiện với môi trường.

Nhiều công ty đã sử dụng chiêu trò này để tăng doanh số bán hàng khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và có nguồn gốc tự nhiên. Trên thị trường châu Âu hiện có 230 nhãn môi trường với nhiều thông tin sai lệch. Trước đó, theo AFP, các chuyên gia của EC đã nghiên cứu 150 nhãn môi trường của các sản phẩm được bán tại châu Âu vào năm 2020. Họ phát hiện rằng khoảng 53% trong số đó đưa ra thông tin “mơ hồ, gây hiểu lầm hoặc vô căn cứ”, trong khi 40% là “hoàn toàn không có căn cứ”.

Châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng của tình trạng “tẩy xanh” trong 5 năm qua. Các công ty thường xuyên sử dụng những tuyên bố về môi trường để tiếp thị hàng hóa của họ. Khi nhìn thấy những tuyên bố đó, người tiêu dùng rất khó để phân biệt sự thật với hư cấu. Trong bối cảnh vô số nhãn mác khiến người tiêu dùng hiểu lầm và làm mờ ranh giới giữa bền vững và gây ô nhiễm, EC buộc phải có hành động kiểm soát để bảo vệ người tiêu dùng. 

Theo CNBC, ông Frans Timmermans, Phó chủ tịch điều hành EC phụ trách Thỏa thuận xanh châu Âu cho biết: “Các tuyên bố xanh có ở khắp mọi nơi. Nhưng thật không may, những tuyên bố này thường được đưa ra mà không có bằng chứng nào. Với đề xuất mới, chúng tôi mang đến cho người tiêu dùng sự yên tâm rằng khi một thứ gì đó được bán dưới dạng màu xanh lá cây, thì nó thực sự là màu xanh lá cây”.

Trong những năm gần đây, những nhà hoạt động môi trường đã kêu gọi các nhà lập pháp hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn hành vi “tẩy xanh” của các công ty. Mối lo ngại liên quan đến vấn đề ngày càng gia tăng khi cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên trầm trọng hơn.

Nhận xét về các quy định do EC đề xuất, bà Margaux Le Gallou, Giám đốc Chương trình đánh giá và thông tin môi trường tại Liên minh tiêu chuẩn môi trường phi lợi nhuận, cho biết việc giải quyết các tuyên bố xanh gây hiểu lầm là rất quan trọng để bảo đảm người tiêu dùng có được thông tin đáng tin cậy và được trao quyền để đưa ra các lựa chọn bền vững.

Trong khi đó, bà Isabel Hagbrink, Giám đốc truyền thông toàn cầu tại công ty cung cấp giải pháp và chiến lược khí hậu South Pole (Thụy Sĩ) cho biết: “Chúng ta không thể để bất kỳ ai, đặc biệt là các nhà lãnh đạo tập đoàn lớn im lặng trước những nỗ lực chống biến đổi khí hậu”.

LÂM ANH