Theo Reuters, công ty DeepMind có trụ sở tại London (Anh) được Google mua lại 10 năm trước và đã tạo nên tiếng vang khi áp dụng AI vào nhiều lĩnh vực, từ trò chơi đến sinh học cấu trúc. Vậy nhưng họ hiện phải đối mặt với một loạt đối thủ đang càn quét thị trường của mình, trong khi ngày càng nhiều nhân viên xin nghỉ việc để khởi động các dự án kinh doanh cá nhân. Đáng chú ý, nhà đồng sáng lập Mustafa Suleyman rời đi để thành lập Inflection AI cùng với tỷ phú Reid Hoffman-ông chủ mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới LinkedIn, còn chuyên gia nghiên cứu Arthur Mensch chia tay để xây dựng Mistral AI. Cả hai công ty khởi nghiệp trên đều được định giá hàng tỷ USD chỉ sau thời gian ngắn hoạt động. Hay như kỹ sư nghiên cứu chính Phil Blunsom từng làm việc tại DeepMind trong 7 năm đã đầu quân cho hãng thiết kế chatbot nội bộ Cohere của Canada.

Nhằm ngăn cản làn sóng nhân viên gia nhập công ty khác hoặc thành lập doanh nghiệp riêng, DeepMind đã cho phép một số nhà nghiên cứu cấp cao quyền truy cập vào số lượng cổ phiếu giới hạn trị giá hàng triệu USD vào đầu năm nay. Cùng với đó, theo Reuters, nhiều hãng khác, như nhà sản xuất âm thanh AI ElevenLabs (Anh) tung ra chính sách phát cổ phiếu cho nhân viên mới, đặt ra mức lương hậu hĩnh và cho phép làm việc hoàn toàn từ xa. Thậm chí, công ty khởi nghiệp Bioptimus (Pháp) cam kết rằng các nhân tài sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với định hướng của doanh nghiệp. Cùng lúc, một loạt công ty AI như Cohere hay Anthropic và OpenAI của Mỹ đã mở văn phòng ở châu Âu từ năm ngoái, qua đó gây thêm áp lực lên các công ty công nghệ tại “lục địa già” đang cố gắng thu hút và giữ chân nhân tài. “Đây thực sự là một môi trường cạnh tranh”, Reuters trích lời một người phát ngôn của DeepMind nêu rõ.

leftcenterrightdel

Các công ty về AI đang chạy đua tìm kiếm nhân tài cho mình. Ảnh: Reuters 

Không những thế, cuộc tìm kiếm nhân tài AI trở nên “nóng” hơn khi chính giới chủ của những hãng công nghệ lớn cũng “xắn tay áo” để lôi kéo người có chuyên môn. The Information cho biết, CEO Mark Zuckerberg của tập đoàn công nghệ Meta đã soạn email mời nhân tài về làm cho mình, trong đó nhắm tới nhân viên của DeepMind. Cụ thể, Meta được cho là sẵn sàng đưa chuyên gia AI vào làm việc lập tức, không cần thông qua bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Năm ngoái, dù Meta sa thải hơn 20.000 nhân viên và thắt chặt chi tiêu, song nhân sự AI vẫn được ưu đãi về lương thưởng. Không đứng ngoài, nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin được cho là đã gọi điện cho một nhân viên đang cân nhắc rời đi để gia nhập OpenAI, thuyết phục người này ở lại và hứa hẹn về vị trí và mức thu nhập mới. Về phần mình, ban lãnh đạo Microsoft mới đây bất ngờ khi tuyên bố tuyển dụng hầu hết trong số 70 nhân viên của hãng Inflection AI, gồm cả hai nhà đồng sáng lập Mustafa Suleyman và Karen Simonyan.

Kết quả là cuộc chiến nhân tài AI vô tình khiến các công ty nhỏ với sức mạnh tài chính hạn chế đối mặt với vô vàn khó khăn để tồn tại. Business Insider dẫn đánh giá của công ty tuyển dụng Einstellen Talent (Mỹ) cho biết, mức lương là trở ngại lớn nhất, do những doanh nghiệp tiếng tăm thường có xu hướng đưa ra số tiền lớn để chiêu mộ tài năng AI. Nhiều hãng có thể gật đầu đáp ứng thu nhập 7 con số từ ứng viên. Đối mặt với thực tế trên, các công ty nhỏ buộc phải chọn người ít kinh nghiệm và kiến thức hơn.

Có thể nói, AI không còn xa lạ với con người. Hầu hết mọi hoạt động cuộc sống đều có bóng dáng của công nghệ này. Theo ước tính của hãng phân tích MarketsandMarkets, quy mô thị trường AI toàn cầu sẽ đạt 407 tỷ USD vào năm 2027, với mức tăng trưởng hằng năm dự báo lên tới 37% cho đến cuối thập kỷ này. MarketsandMarkets đánh giá “miếng bánh” đó chắc chắn sẽ chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty công nghệ trên thế giới.

VĂN HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.