Theo giới chuyên gia, dù chưa rõ nguyên nhân do đâu, song có thể coi đây là cảnh báo về tính dễ bị tổn thương của mạng lưới cáp ngầm dưới biển, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có mật độ cáp ngầm đông đúc nhất thế giới.

Hồi tháng 11-2024, hai tuyến cáp internet ngầm dưới biển Baltic bị hư hại (ảnh minh họa). Ảnh: Daily Wrap 

Theo Channel News Asia, sự rộng lớn của các đại dương, cũng như số lượng lớn tuyến cáp ngầm được triển khai dưới đáy biển khiến cho việc bảo vệ toàn bộ mạng lưới cáp ngầm trên phạm vi toàn cầu là điều gần như không thể. Chưa kể, nhiều tuyến cáp chạy qua vùng biển quốc tế, nơi chưa có ràng buộc về pháp lý để buộc thủ phạm phải gánh chịu trách nhiệm. Trong khi đó, cáp ngầm ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu, phát triển kinh tế... của mỗi quốc gia, khu vực.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng những tuyến cáp ngầm chạy phía dưới được coi là “vùng đất màu mỡ”, nơi những mưu đồ về một cuộc chiến tranh hỗn hợp có thể nhắm tới. Đơn cử như eo biển Malacca, một điểm nghẽn quan trọng đối với các tuyến cáp ngầm của khu vực, chịu trách nhiệm cung cấp kết nối dữ liệu giữa châu Á, Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu. Đây là vùng nước tương đối nông, nguy cơ cao có thể xảy ra sự cố. Trường hợp có sự cố, tác động của nó đến kết nối khu vực sẽ khá nghiêm trọng.

Để giảm thiểu các nguy cơ, cộng đồng quốc tế cần chung tay thiết lập một cơ chế phản ứng đối với hành vi phá hoại cáp ngầm; tăng cường năng lực đa phương trong giám sát và sửa chữa, bởi hệ sinh thái cáp ngầm có thể coi là tài nguyên chung của nhân loại. Cùng với đó, xây dựng khả năng phục hồi liên lạc, tìm kiếm nguồn dự phòng cho các dịch vụ internet và mạng lưới liên lạc thiết yếu như hệ thống liên lạc vệ tinh và mạng cáp quang cục bộ, giúp giảm bớt một phần tác động của tình trạng gián đoạn kết nối thông tin.

MAI VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.