Trong khi chính phủ nhiều quốc gia châu Âu không muốn tái áp đặt lệnh phong tỏa, một số nước như Latvia buộc phải khôi phục các biện pháp hạn chế bởi không có nhiều sự lựa chọn khác.

Tính đến ngày 4-11, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, báo cáo 33.949 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất của Đức kể từ đầu đại dịch đến nay.

Slovakia ghi nhận 6.713 ca nhiễm mới trong ngày - cũng là mức kỷ lục với nước này. Trong khi đó, Hungary có thêm 6.268 bệnh nhân Covid-19 hôm 4-11 - mức tăng gấp đôi so với trung bình của tuần trước.

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại phòng điều trị tích cực (ICU) ở Sofia, Bulgaria. Ảnh: Reuters. 

Các nước Đông Âu cũng lao đao khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. 15.515 ca nhiễm được phát hiện hôm 4-11 tại Ba Lan. Đây là mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 4 tại quốc gia này. Cả Croatia và Slovenia cũng ghi nhận các mức tăng cao kỷ lục hôm 4-11.

Số ca nhiễm mới trong ngày ở Áo cũng tăng gần đến mốc kỷ lục được ghi nhận hồi năm ngoái, khiến chính phủ tính toán tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vắc xin.

Tại Anh, theo một nghiên cứu trên quy mô lớn của Trường Imperial College London, dịch bệnh lập đỉnh mới vào tháng 10. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cảnh báo người dân phải cẩn trọng khi thời tiết chuyển sang mùa đông. Tháng trước, Anh khởi động chiến dịch tiêm vắc xin ngừa cúm lớn nhất trong lịch sử, nhằm tránh rủi ro số ca Covid-19 và cúm cùng gia tăng trong một khoảng thời gian.

Hiện nay, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) tại Anh đã khởi động tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người dân mà không cần đặt lịch hẹn trước. Anh cũng là nước đầu tiên phê duyệt sử dụng viên uống điều trị Covid-19 của hãng dược phẩm Merck.

Italy - tâm dịch đầu tiên của châu Âu khi dịch bệnh mới bùng phát - đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trở lại tại các khu vực phía Bắc, bao gồm Veneto và Friuli Venezia Giulia, liên quan tới các cuộc biểu tình phản đối chính sách thẻ xanh y tế.

Tuần qua, chính phủ Hungary, Romania, Cộng hòa Czech phải tái áp đặt các biện pháp giới hạn đi lại trước kỳ nghỉ lễ mùa đông, cùng việc khuyến khích người dân tích cực đi tiêm vắc xin hơn.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge nói tốc độ lây nhiễm hiện tại ở 53 quốc gia trong châu lục là điều gây "lo ngại nghiêm trọng". Ông cảnh báo tình hình sẽ phức tạp hơn trong những tháng mùa đông, khi mọi người ở trong nhà nhiều hơn.

"Chúng ta đang một lần nữa trở thành tâm điểm dịch bệnh", Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge cảnh báo trong một cuộc họp báo ngày 4-11, theo AFP.

Ông Kluge nhấn mạnh có thể khu vực châu Âu sẽ chứng kiến 500.000 người chết vì Covid-19 từ nay đến tháng 2-2022, ông Kluge nói thêm. Số ca mắc Covid-19 đang tăng nhanh ở mọi lứa tuổi, quan chức WHO nói. Tỷ lệ nhập viện đặc biệt cao ở những nước nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.

LÊ ANH