QĐND - LTS: Trải qua gần 5 thập kỷ phát triển, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng tới dấu mốc mới, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Đó là việc chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Bắt đầu từ số báo ngày 23-11, Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục “Cộng đồng ASEAN” trên các số báo ra thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hằng tuần. Chuyên mục mong nhận được các bài viết, hình ảnh hoạt động của các nhà ngoại giao, cán bộ, chuyên gia cùng bạn đọc trong và ngoài quân đội...

Quá trình hình thành và những dấu mốc quan trọng

Được thành lập từ năm 1967 tại thủ đô Băng Cốc của Thái Lan với 5 thành viên sáng lập ban đầu, đến nay ASEAN đã lớn mạnh về nhiều mặt cùng sự góp mặt của 10 quốc gia thành viên, gồm: Bru-nây, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Lào, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan và Việt Nam. Trải qua gần 50 năm, ASEAN đã trở thành nhân tố hàng đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, an ninh, phát triển thông qua việc khởi xướng và giữ vai trò chủ đạo trong nhiều diễn đàn khu vực, đồng thời cũng đang dần trở thành một tổ chức có vai trò quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Biểu tượng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong quá trình đó, các thể chế hợp tác của ASEAN từng bước được hoàn thiện, phát triển, và việc xây dựng cũng như hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 được đánh giá sẽ là thành tựu nổi bật nhất.

Ý tưởng về một Cộng đồng ASEAN lần đầu tiên được đề cập vào tháng 12-1997. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập ASEAN, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua văn kiện quan trọng “Tầm nhìn ASEAN 2020”, với mục tiêu tổng quát là đưa hiệp hội trở thành “một nhóm các dân tộc Đông Nam Á hài hòa, gắn bó”. Ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh ASEAN đứng trước những cơ hội phát triển mới nhưng cũng phải đối phó với những thách thức không nhỏ, trong đó có hàng loạt thách thức an ninh phi truyền thống như: Xung đột tôn giáo sắc tộc, buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí và tội phạm có tổ chức xuyên biên giới; vấn đề lãnh thổ-lãnh hải… Về phương diện kinh tế, trong khi tiến trình hội nhập kinh tế khu vực được chính thức khởi động từ đầu năm 1993 chưa mang lại kết quả như mong đợi, nguy cơ bùng phát khủng hoảng ngày càng hiện hữu. Nếu tình hình không được cải thiện, ASEAN có thể bị tụt hậu về kinh tế và mất vai trò chính trị trong khu vực.

Tháng 10-2003, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II), nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh (năm 2007 bổ sung thêm, gọi đầy đủ là Cộng đồng Chính trị-An ninh); Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội; đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác cùng có lợi trong khu vực.

Để kịp thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, nhất là xu thế toàn cầu hóa và liên kết kinh tế đang được đẩy mạnh trên thế giới, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 diễn ra ở Xê-bu (Cebu), Phi-líp-pin vào tháng 1-2007, lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhất trí mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, thay vì vào năm 2020 như thỏa thuận trước đây.

Tiếp đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 13 vào tháng 11-2007, lãnh đạo các nước đã ký Hiến chương ASEAN nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho gia tăng liên kết khu vực, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực ngày 15-12-2008. Sau đó, Hội nghị cấp cao ASEAN 14 (tháng 2-2009) đã thông qua Tuyên bố về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN kèm theo 3 kế hoạch tổng thể nhằm xây dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch thực hiện “Sáng kiến Liên kết ASEAN” (IAI) giai đoạn 2 (2008-2015). Đây là một văn kiện quan trọng đóng vai trò kim chỉ nam cho giai đoạn tiếp theo để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ, liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.

Hơn nữa, xây dựng Cộng đồng ASEAN là một giai đoạn của tiến trình phát triển, do đó mốc 31-12-2015 khi Cộng đồng ASEAN hình thành theo dự kiến không phải là đích cuối cùng của sự liên kết ASEAN, mà là sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của hiệp hội. Từ nhận thức chung này, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí xây dựng nội dung Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 (giai đoạn 2016-2025) và việc xây dựng này kế thừa kết quả triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2009-2015, đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối ASEAN và khu vực lên mức cao hơn.

Đặc biệt, ngày 22-11-2015, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Cu-a-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Cua-la Lăm-pơ về việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 và Tuyên bố Cu-a-la Lăm-pơ về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước. 

Có thể tin tưởng rằng, sau khi chính thức hình thành, Cộng đồng ASEAN sẽ là một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, dựa trên ba trụ cột vững chắc là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.

Cộng đồng ASEAN cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm và những đóng góp tích cực của mình cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực; đồng thời trở thành một “mái nhà chung” để các dân tộc ở Đông Nam Á cùng gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình.

ANH VŨ