Theo AP, nhiều người dân ở các thành phố trên thế giới từ Nairobi (Kenya), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cho đến Manchester (Anh) đều phàn nàn vì đồng USD tăng giá khiến đồng nội tệ yếu đi, đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao.

Điều này đang làm gia tăng khó khăn tài chính cho các gia đình vào thời điểm họ đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực và năng lượng do cuộc xung đột ở Ukraine. Nhiều nhà kinh tế lo ngại sự tăng giá mạnh của USD làm tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới.

leftcenterrightdel
Một người phụ nữ cầm tờ USD ở thủ đô Caracas, Venezuela. Ảnh: AP 

Đồng USD đã tăng giá 18% kể từ đầu năm đến nay và đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ vào tháng 9 vừa qua. Giá đồng USD tăng vọt được cho là kết quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát leo thang ở nước này.

FED đã tăng lãi suất cơ bản 5 lần trong năm nay, đồng thời phát tín hiệu sẽ tiếp tục có động thái như thế. Quyết định này của FED khiến lãi suất một loạt trái phiếu doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ gia tăng, từ đó thu hút nhà đầu tư và đẩy giá đồng bạc xanh.

Hầu hết đồng tiền của các nước khác đều trở nên suy yếu so với đồng USD. Trong năm nay, đồng rupee của Ấn Độ đã giảm gần 10%, đồng bảng của Ai Cập giảm 20%, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 28% so với đồng USD. Ngay cả những nước giàu cũng chịu tác động từ việc USD tăng giá. Tại châu Âu, lần đầu tiên trong 20 năm, 1 euro có giá trị thấp hơn 1USD và bảng Anh đã giảm 18% so với một năm trước. 

Tờ The Wall Street Journal nhận định, USD là đồng tiền chính được sử dụng trong thương mại và tài chính toàn cầu. Do đó, sự biến động tỷ giá của USD có tác động sâu rộng lên các nền kinh tế trên thế giới. Đồng USD mạnh lên khiến hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ rẻ hơn, trợ giúp cho nỗ lực chống lạm phát của FED, đồng thời mang lại sức mua tương đối cao cho người tiêu dùng Mỹ. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới phải chịu không ít căng thẳng. Giáo sư về chính sách thương mại Eswar Prasad tại Đại học Cornell (Mỹ) cho biết: “Đồng USD tăng giá làm cho tình hình tồi tệ hơn ở phần còn lại của thế giới”.

Sự tăng giá của đồng USD gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế theo những cách khác nhau, như làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, gia tăng áp lực lạm phát. Theo Bloomberg, các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực đang phải vật lộn trước tình hình lãi suất cao, đồng USD tăng vọt và giá hàng hóa tăng. Khi USD tăng giá, việc thanh toán hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh tại những nước này trở nên khó khăn hơn.

Tại Bangladesh, tập đoàn Meghna có thể phải cắt giảm lượng nhập khẩu lúa mì dự kiến trong bối cảnh chi phí nhập khẩu đã tăng ít nhất 20% do USD mạnh lên. Ông Taslim Shahriar, quản lý thu mua của Meghna than thở: “Biến động trên thị trường tiền tệ đang gây thiệt hại lớn cho tập đoàn. Chúng tôi chưa bao giờ trải qua tình cảnh này trước đây”.

Tại Ghana, các nhà nhập khẩu đã cảnh báo về tình trạng khan hiếm lương thực trước giáng sinh. Ông Samson Asaki Awingobit, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà xuất khẩu và nhập khẩu lương thực Ghana cho biết: “Chúng tôi nghĩ một số mặt hàng thực phẩm sẽ bị thiếu hụt. Đồng USD đang nuốt chửng đồng cedi và chúng tôi đang rơi vào tình thế vô vọng”.

Đồng USD mạnh lên cũng khiến các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng vay nợ bằng đồng tiền này lao đao. Ngân hàng trung ương các nước đã buộc phải tăng lãi suất để củng cố đồng nội tệ và ngăn dòng tiền chảy ra nước ngoài trước đà tăng của đồng USD, bất chấp lãi suất cao có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Bảo vệ nền kinh tế Mỹ là nhiệm vụ của FED. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cơ quan này nên chú ý nhiều hơn đến tác động từ các quyết định của mình đối với phần còn lại của thế giới. Bởi lẽ, toàn cầu hóa tài chính và thương mại đã khiến các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau.

LÂM ANH