Theo Kyodo News, các loại nhân đa dạng, phong phú đã khiến cơm nắm Nhật Bản trở thành lựa chọn phù hợp cho cả người ăn chay (vegetarian), ăn thuần chay (vegan) và ăn kiêng theo tôn giáo.

Tại Gili-Gili, một tiệm onigiri ở trung tâm Paris thuộc sở hữu của anh Samuel Trifot và vợ Ai Watanabe, cứ đến giờ ăn trưa, khách lại xếp thành dãy dài chờ mua cơm nắm cuộn rong biển kombu, ăn kèm mơ muối umeboshi và cơm nắm với nhiều loại nhân khác. Mức giá 3-4 euro (khoảng 490-650 yen) cho mỗi nắm cơm là khá cao ở Nhật Bản, song tại Paris, mức giá này lại khá cạnh tranh. “Cơm nắm nhân cá ngừ rưới xốt mayonnaise vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe, dễ ăn hơn một chiếc bánh mì baguette”, một nữ nhân viên 28 tuổi tại tiệm onigiri cho hay.

leftcenterrightdel

Khách hàng thưởng thức cơm nắm Nhật Bản tại một tiệm ăn ở Paris (Pháp), ngày 9-2. Ảnh: Kyodo News 

Vợ chồng anh Trifot đã mở tiệm onigiri ở một nơi khác vào năm 2018, trước khi chuyển đến địa điểm hiện nay: “Có ít nhất 5 tiệm onigiri đã mở quanh đây trong thời gian qua. Chúng tôi hy vọng món ăn này sẽ trở nên phổ biến và nổi tiếng như sushi và ramen vậy”.

Chỉ trong hai năm qua, cơm nắm Nhật Bản đã trở thành món ăn phổ biến được bày bán tại các siêu thị, tiệm tạp hóa ở Paris và ngày càng chiếm được cảm tình của khách hàng Pháp. Cùng với sự bùng nổ của onigiri, Chính phủ Nhật Bản hy vọng cơm nắm sẽ dẫn đến gia tăng xuất khẩu gạo của nước này. Tại Pháp, toàn bộ gạo nguyên liệu chế biến onigiri đều được nhập từ Nhật Bản. Thành công tại Paris là cơ sở để các nhà kinh doanh hướng tới việc mở thêm nhiều tiệm onigiri ở các thành phố khác của châu Âu.

HIỀN MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.