Không khó để bắt gặp những tấm biển quảng cáo khổ lớn, đầy màu sắc dọc đại lộ sầm uất Luthuli ở thủ đô Nairobi của Kenya. Trên đó là những dòng tên các thương hiệu điện thoại Tecno, Infinix và iTel nghe khá xa lạ. Chúng có một điểm chung là được sản xuất ở Trung Quốc, do Transsion, công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, chuyên cung cấp điện thoại đến châu Phi và Trung Đông, chưa từng bán sản phẩm ở đại lục. Đáng chú ý, Kenya chỉ là một trong rất nhiều thị trường quan trọng của hãng tại khu vực.

South China Morning Post dẫn số liệu từ công ty phân tích thị trường Counterpoint Research cho biết, những năm gần đây, Transsion đã tạo dựng chỗ đứng vững chắc và dần chiếm lĩnh thị trường châu Phi. Chỉ riêng năm 2023-năm đầy thách thức đối với ngành điện thoại di động toàn cầu, hãng xuất xưởng tới 95 triệu chiếc điện thoại thông minh, cao hơn 30,8% so với cùng kỳ năm trước, qua đó lần đầu tiên lọt vào nhóm 5 nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Các thương hiệu Tecno, Infinix và iTel của hãng chiếm 48% thị trường điện thoại thông minh ở châu Phi vào năm 2023. Trong khi đó, tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đứng thứ hai với thị phần chỉ 16% ở châu Phi. “Công thức thành công” đó chủ yếu đến từ chiến lược kinh doanh hiệu quả của Transsion.

Châu Phi là nơi có nhiều nước kém phát triển nhất trên thế giới, do đó đặt ra những thách thức khiến các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc từ bỏ ý định tiếp cận, bao gồm cơ sở hạ tầng liên lạc không ổn định và tình trạng mất điện thường xuyên. Tuy nhiên, Transsion đã chủ động giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trên với phương châm “điện thoại dành cho người dân châu Phi”. Đơn cử, Transsion phát triển điện thoại với thiết kế 2 hoặc 4 thẻ SIM, cho phép người dùng chuyển sang thẻ SIM khác khi không có tín hiệu. Đáp ứng đặc thù thị trường, công ty còn sử dụng vỏ điện thoại có khả năng chống ăn mòn khỏi mồ hôi và nhiệt độ cao do khí hậu nóng bức, máy ảnh được hiệu chỉnh tốt hơn cho tông màu da tối hơn, chế độ gõ bàn phím được bổ sung các ngôn ngữ địa phương, hay pin dung lượng cao. Hãng cũng ưu tiên phát triển phần mềm độc quyền và thiết kế loa phù hợp với cộng đồng yêu âm nhạc của khu vực.

leftcenterrightdel
Khách hàng tìm hiểu dòng điện thoại thông minh Tecno tại một cửa hàng ở thủ đô Nairobi của Kenya. Ảnh: China Daily 

Cách tiếp cận của Transsion đối với thị trường châu Phi cũng rất đáng chú ý. Trước đây, dòng điện thoại bán chạy nhất của hãng tại thị trường này có giá trung bình khoảng 42USD. Sau đó, công ty dần đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhiều đối tượng hơn, chuyển từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh. Trong xã hội hiện nay, việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh là điều vô cùng cần thiết. Và việc Transsion định giá bán sản phẩm thực sự rất khôn ngoan khi phần lớn đối tượng khách hàng là người có thu nhập thấp. Theo đó, có tới 95% điện thoại thông minh của cả 3 thương hiệu Tecno, Infinix và Itel đều có mức giá dưới 200USD. Khi điện thoại iPhone vẫn được xem là xa xỉ phẩm thì người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra khoảng 70USD là đã có thể sở hữu điện thoại thông minh bình dân của Transsion với các tính năng không hề thua kém. Tỷ lệ xuất xưởng điện thoại thông minh của hãng tăng từ 22% vào năm 2016 lên hơn 40% trong năm 2023. “Họ là vua của các loại điện thoại thông minh giá rẻ”, nhà phân tích Mo Jia tại hãng nghiên cứu công nghệ Canalys đánh giá.

Không những vậy, Transsion còn trở nên thân thuộc với người tiêu dùng châu Phi nhờ việc “hòa mình” vào thị trường bản địa. Thí dụ, những cửa hàng Tecno không gắn các Hán tự. Transsion cũng mở một nhà máy ở ngoại ô thủ đô Addis Ababa của Ethiopia để lắp ráp và cung ứng sản phẩm “sản xuất tại châu Phi” cho thị trường khu vực. Bên trong nhà máy có hơn 400 nhân công này, chỉ có 4 người đến từ Trung Quốc, số còn lại đều được tuyển dụng từ nguồn lao động sở tại. Tại châu Phi, Transsion có tổng cộng 10.000 nhân viên, công nhân người địa phương. Chính lực lượng lao động giá rẻ này đã giúp hãng giữ cho giá các sản phẩm ở mức thấp, từ đó càng tăng tính cạnh tranh.

Sự nổi lên của Transsion phản ánh vai trò đáng kể của các nhà sản xuất Trung Quốc trong việc cung cấp phương tiện liên lạc mà người dân châu Phi cần tới, đồng thời có thể coi là kỳ tích giúp củng cố ngoại giao công nghệ của nước này đối với khu vực. Theo South China Morning Post, Transsion đang tiếp tục nhân rộng kết quả đó sang một số thị trường tiềm năng khác trên thế giới để có được những “châu Phi mới” trong lĩnh vực này.

VĂN HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.