Điểm khác biệt trong các vụ khủng bố

Ba năm trở lại đây, lễ tưởng niệm nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố diễn ra liên tục ở nhiều nơi trên thế giới. Vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô Luân Đôn ngày 22-3 vừa qua làm 4 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương xảy ra đúng một năm sau vụ nổ bom ở một sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brúc-xen (Bỉ) khiến 32 người thiệt mạng.

Vụ tấn công ngày 22-3 là lời nhắc nhở rằng, Anh cũng như phần còn lại của phương Tây đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố rất khác biệt so với những gì họ đã chứng kiến trong các thập niên cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, vẫn có sự tương đồng giữa các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở châu Âu. Cụ thể, vụ tấn công năm ngoái ở Brúc-xen cũng như vụ tấn công diễn ra vài tháng trước đó ở Pa-ri (Pháp) được tiến hành bởi chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với hàng loạt vũ khí và chất gây nổ.

leftcenterrightdel
Một nữ cảnh sát đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong vụ tấn công ở Luân Đôn ngày 22-3 vừa qua. Ảnh: AP. 
Tại Anh-nơi có luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ, cũng là nơi có lực lượng an ninh chuyên nghiệp nhất châu Âu, vụ tấn công kiểu như vậy sẽ rất khó để tiến hành. Kể từ sau các vụ tấn công phương tiện giao thông công cộng ở Luân Đôn hồi tháng 7-2005, hàng chục âm mưu tấn công đã bị ngăn chặn ở Anh mỗi năm.

Nghịch lý ở đây là vụ tấn công ở Luân Đôn xảy ra chỉ một ngày sau khi Mỹ và Anh tuyên bố rằng các hành khách trong danh sách các nước Hồi giáo sẽ không được mang lên máy bay máy tính xách tay, máy tính bảng vì lo sợ chúng được ngụy trang cho thuốc nổ. Vì vậy, vụ việc này cho thấy, không cần tới một quả bom được chế tạo tinh vi để tiến hành một vụ tấn công lớn ở trung tâm thủ đô một quốc gia châu Âu. Một “con sói đơn độc” với một con dao trên tay cũng có thể gây ra vụ tấn công khủng bố gây choáng váng cả thế giới.

Tiếng chuông cảnh báo

Hàng loạt vụ tấn công vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với chiến lược chống khủng bố của EU. Chiến lược chống khủng bố của EU được thông qua hồi tháng 12-2005, sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Mỹ (tháng 9-2001), Tây Ban Nha (tháng 3-2004), Luân Đôn (tháng 7-2005). Chiến lược này gồm 88 giải pháp, trong đó có tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài, ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính và tuyển nhân lực của các tổ chức khủng bố, ngăn chặn “hình thành các thế hệ khủng bố mới”.

Tuy nhiên, trong số 88 giải pháp được đề xuất, chỉ có 3 giải pháp được công bố cho công chúng đánh giá và chưa đến 1/4 tổng số giải pháp được đưa vào các báo cáo đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC). Cho đến nay, tính hiệu quả của những giải pháp này vẫn là câu hỏi lớn. Ví dụ như giải pháp về việc ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố được đưa ra lần đầu tiên vào giữa năm 2004, sau đó tiếp tục được đưa ra trong các năm 2005, 2008 và đầu năm 2016. Tuy nhiên, cơ quan chức năng dường như vẫn không ngăn được các dòng “tiền đen” đổ về các nhóm khủng bố. “Trong khi đó, các vụ tấn công khủng bố vẫn xảy ra ở Pháp, Bỉ, Đức trong hai năm qua mà không thể ngăn chặn, mặc dù lực lượng chức năng các nước đã đưa nhiều nghi phạm vào danh sách giám sát chặt chẽ”, chuyên gia Ni-cô-la Ni-en-xen (Nikolaj Nielsen) nhận định trên trang euobserver.com. Theo ông Ni-cô-la Ni-en-xen, các kế hoạch chống khủng bố của EU thực tế vẫn chỉ mang tính tuyên truyền nhiều hơn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Ni-en-xen, một phần là do việc thiếu cơ chế chia sẻ thông tin tình báo, nhất là giữa các cơ quan tình báo và an ninh. Man-ta, nước hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên EU, hồi tuần trước đã khẳng định, hệ thống dữ liệu thông tin của Cảnh sát châu Âu (Europol) đã tăng lên 34% chỉ tính từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, chất lượng của thông tin và năng lực của các quốc gia thành viên trong việc phân tích dữ liệu này không được đề cập tới. Một báo cáo nội bộ dài 82 trang của Ủy ban Điều tra thuộc Nghị viện Bỉ bị rò rỉ đầu năm nay còn tiết lộ, cảnh sát Bỉ đã không thông báo cho cơ quan chống khủng bố tài chính về các giao dịch chuyển tiền đáng ngờ của các đối tượng đứng đằng sau vụ khủng bố ở Pa-ri và Brúc-xen. Chính vì thế, các cơ quan chức năng nước này đã thất bại khi để xảy ra vụ khủng bố ngày 22-3-2016 tại Brúc-xen.

Bên cạnh đó, sự khác biệt về năng lực của cơ quan an ninh các nước EU trong việc theo dõi sự di chuyển của những nghi phạm khủng bố cũng đang có vấn đề. Vì thế, giới quan sát nhận định, việc đưa ra nhiều giải pháp là cần thiết, song để thực thi các giải pháp một cách hiệu quả lại là vấn đề lớn, đòi hỏi các quốc gia thành viên EU phải “đồng tâm hiệp lực” nhiều hơn nữa.

BÌNH NGUYÊN