QĐND - Có lẽ chưa bao giờ, chuyện nhập cư lại khiến cả châu Âu nhức nhối, thậm chí là chia rẽ như hiện nay. Nhưng đó cũng là cơ hội để tất cả các quốc gia thể hiện sự đoàn kết và quan trọng hơn là giải quyết triệt để vấn đề nan giải này.

Còn nhớ cuối năm 2013, cả thế giới như rúng động khi một chiếc tàu chở người nhập cư xuất phát từ Li-bi bị đắm ngoài khơi đảo Lam-pê-đu-xa (Lampedusa), miền Nam I-ta-li-a, khiến gần 400 người thiệt mạng. Nhưng đó chưa phải là thảm kịch tồi tệ nhất trong vòng mấy năm qua. Mới đây thôi, ngày 18-4, một chiếc tàu khác mang theo đoàn người di cư bất hợp pháp đến châu Âu đã bị lật ngoài khơi Li-bi làm gần 900 người bỏ mạng. Thảm họa này đã đưa châu Âu vào thế báo động, khiến lãnh đạo 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) liên tục phải ngồi lại với nhau để tìm cách đưa khu vực thoát khỏi sự đe dọa của làn sóng nhập cư ngày càng có chiều hướng ồ ạt hơn.

Một nhóm người di cư từ Li-bi được đưa đến đảo Lam-pê-đu-xa của I-ta-li-a vào đầu năm 2015. Ảnh: Roi-tơ

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần qua, giới lãnh đạo EU đã có tới 2 cuộc họp khẩn. Rất nhiều giải pháp đã được đề cập, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào được coi là tối ưu. Được biết theo tuyên bố dự thảo của cuộc gặp khẩn cấp tại Brúc-xen, Bỉ ngày 23-4, các nhà lãnh đạo EU cam kết sẽ có những nỗ lực mang tính hệ thống để xác định, bắt giữ và phá hủy những con tàu trước khi chúng được dùng để buôn người. 

Cũng có những lời kêu gọi khôi phục các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn trên Địa Trung Hải mang tên Mare Nostrum, nhưng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Bởi một số lãnh đạo EU cho rằng, điều này sẽ chỉ lôi kéo thêm người nhập cư đến châu Âu và thậm chí là làm con số thương vong tăng cao hơn. Trong khi đó, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) lại thẳng thừng bác bỏ lập luận này. Theo bà Các-la Mắc La-ren (Carla McLaren), Đại diện AI tại Anh, việc tìm kiếm và cứu nạn không khuyến khích thêm nhiều người đến châu Âu. Bằng chứng là kể từ khi chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn kết thúc vào cuối năm ngoái, số người tìm cách vượt biển thực chất còn gia tăng. “Bởi vậy, nếu không tìm kiếm và cứu giúp họ, chúng ta sẽ phải chứng kiến rất nhiều người chết", bà Các-la Mắc La-ren nói.

Lại có những chính trị gia cho rằng, châu Âu nên học theo chính sách quản lý nhập cư của Ô-xtrây-li-a. Kể từ năm 2013, Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã bắt đầu có những biện pháp mạnh tay với làn sóng nhập cư trái phép, điển hình như việc huy động lực lượng quân đội mở chiến dịch “Biên giới có chủ quyền” để chặn đứng dòng người tị nạn vượt đại dương tới "xứ sở chuột túi". Hầu hết các tàu chở người tị nạn đã bị lực lượng hải quân Ô-xtrây-li-a chặn đứng từ ngoài khơi xa, khiến những người này lại phải tiếp tục lênh đênh nhiều ngày trên biển để trở về nơi xuất phát. Ngay cả những người may mắn cũng không được phép định cư trên lãnh thổ Ô-xtrây-li-a. Với họ, hoặc là chấp nhận sống trong các trại tập trung, hoặc hồi hương và được hưởng những khoản trợ cấp nhất định của Chính phủ Ô-xtrây-li-a. Theo đánh giá của nhiều người, chính sách này là quá hà khắc. Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ cách làm của Ô-xtrây-li-a, bởi thực tế cho thấy nó đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc ngăn chặn làn sóng di cư trái phép.

Nhìn lại căn nguyên dẫn tới tình trạng người nhập cư ồ ạt đổ về châu Âu, không thể không nhắc tới Li-bi, quốc gia đang chìm ngập trong bất ổn dẫn tới tình trạng mất kiểm soát dòng người tị nạn. Li-bi được coi là “điểm trung chuyển” dòng người nhập cư bất hợp pháp từ chính quốc gia này và các quốc gia khác tới bờ biển I-ta-li-a, Man-ta, Hy Lạp. Ước tính, Li-bi là điểm xuất phát của khoảng 90% tàu chở người nhập cư trái phép qua Địa Trung Hải tới châu Âu. Bởi vậy, châu Âu cũng đang nhen nhóm một kế hoạch khác, đó là yêu cầu Liên hợp quốc hỗ trợ để thành lập một chính phủ ổn định ở Li-bi, qua đó giúp giảm bớt gánh nặng nhập cư cho châu Âu.

Không chỉ bất đồng về cách thức giải quyết tình trạng nhập cư trái phép hiện nay, châu Âu còn đang chia rẽ bởi vấn đề chia sẻ gánh nặng người nhập cư. Nằm ở cửa ngõ phía Nam châu Âu, I-ta-li-a là quốc gia tiếp nhận tới ¾ lượng người nhập cư trái phép từ khu vực Bắc Phi. Cũng vì thế mà I-ta-li-a tỏ ra quyết liệt hơn cả. Mới đây, Thủ tướng nước này Mát-tê-ô Ren-di (Matteo Renzi) thẳng thừng tuyên bố rằng, I-ta-li-a không thể gánh hết trách nhiệm cho toàn bộ châu Âu và thảm kịch vừa qua sẽ khiến châu Âu phải thay đổi chính sách nhập cư, trong đó có việc phân bổ số người tị nạn phải tiếp nhận cho các quốc gia trong khu vực. Được biết đến nay, chỉ có 5 trong số 28 nước thành viên EU cho tị nạn chính trị, trong đó có I-ta-li-a.

Nhưng dù có làm theo cách nào thì trước hết vẫn phải xét đến số phận và sự an toàn của dòng người nhập cư đang và sẽ hướng đến châu Âu qua Địa Trung Hải. Đúng là bỏ thì thương, vương thì tội!

TRUNG DŨNG