Cho dù Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận vụ tấn công không gây bất kỳ thiệt hại nào, song sẽ rất nguy hiểm nếu các cuộc tấn công dẫn đến mất điện, khiến hệ thống làm mát các lò phản ứng trong nhà máy ngừng hoạt động, gây nguy cơ phát nổ.

leftcenterrightdel

Các nước thành viên EU đều có lực lượng sẵn sàng ứng phó với sự cố hạt nhân. Ảnh minh họa: Euronews 

Euronews cho hay, hiện có hơn 150 lò phản ứng đang hoạt động trên khắp 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Mỗi quốc gia đều có một cơ quan sẵn sàng ứng phó với sự cố hạt nhân, kể cả những quốc gia không sở hữu lò phản ứng nào.

Theo chuyên gia ứng phó khẩn cấp tại Cơ quan an toàn bức xạ Thụy Điển Jan Johansson, sự phối hợp hành động giữa các bên liên quan đã tăng lên đáng kể sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011.

Theo đó, trong trường hợp xảy ra một vụ nổ lò phản ứng hạt nhân, toàn bộ dân cư trong khu vực bán kính 5km xung quanh nơi xảy ra sự cố sẽ được sơ tán lập tức. Nếu phát hiện rò rỉ phóng xạ, khu vực trong bán kính 25km sẽ được báo động và người dân nhận tin nhắn thông báo sự cố. Tất cả phải ở yên trong nhà, hạn chế ra ngoài trời mà không nhất thiết phải vào hầm trú ẩn.

Tại các địa phương có nguy cơ, hằng năm, chính quyền đều phân phát cho các hộ gia đình viên iod nhằm ngăn chặn hấp thụ bức xạ, ngăn ngừa nguy cơ ung thư tuyến giáp trong trường hợp bị nhiễm phóng xạ rò rỉ. Sau khi đã vào nơi trú ẩn, người dân được hướng dẫn bật ti vi, nghe đài hoặc theo dõi qua mạng xã hội các thông báo chính thức từ chính quyền địa phương.  

Tất nhiên, những hành động tiếp theo phụ thuộc vào mức độ phóng xạ bị rò rỉ cũng như các yếu tố khí tượng. Chuyên gia Johansson cho hay: “Chúng tôi diễn tập nhiều lần trong năm và tin tưởng rằng EU có một hệ thống ứng phó hiệu quả cũng như các chính quyền biết phải làm gì trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ”.

TUẤN MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.