Tuy nhiên, tinh thần đoàn kết của các quốc gia EU đã mang lại sự ổn định cùng với tăng trưởng kinh tế trong khu vực, bất chấp quan hệ với Nga vẫn chưa "thuận buồm xuôi gió".  

Sự kiện chính trị nổi bật ở châu Âu trong năm 2021 được nhiều người quan tâm chính là cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức diễn ra ngày 26-9, nhằm lựa chọn nhà lãnh đạo mới thay thế bà Angela Merkel sau 16 năm giữ cương vị thủ tướng. Không đơn thuần tìm hiểu ai là người thừa kế “di sản Merkel”, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm tới cuộc bầu cử này bởi Đức là quốc gia đầu tàu EU, mọi chính sách của nước này đều có ảnh hưởng chung đến toàn liên minh.

Người dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm chủng ở Berlin, Đức. Ảnh: ZumaPress 

Đáng mừng là, dù tân Thủ tướng Olaf Scholz là người của Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), đảng đối lập với liên Đảng Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel trước đây, nhưng các mục tiêu chính sách đối ngoại của tân lãnh đạo này tỏ ra kiên định với các mục tiêu của người tiền nhiệm, đó là củng cố EU trên trường quốc tế và duy trì hợp tác chặt chẽ với Mỹ.

Cái bắt tay nồng ấm của hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức giữa mùa đông buốt giá ở Paris cuối năm 2021 càng khiến nhiều người đặt niềm tin vào trục quan hệ Paris-Berlin dưới kỷ nguyên Macron-Scholz, góp phần đưa con tàu EU vượt qua các cuộc khủng hoảng di cư, dịch bệnh và giá nhiên liệu tăng cao...

Nhìn lại 365 ngày qua có thể thấy, vẫn còn những hành trình vượt biển Địa Trung Hải để đến “miền đất hứa” châu Âu, vẫn có người thiệt mạng trên biển khi giấc mơ đổi đời còn dang dở... nhưng sức ép về tình trạng di cư bất hợp pháp ở châu Âu đã giảm rất nhiều so với năm 2015. Kết quả đó là nhờ vào nỗ lực của EU khi biết trang bị cho mình những công cụ quản lý dòng người di cư "bên ngoài", nghĩa là tập trung bảo vệ biên giới bên ngoài và kiểm tra an ninh nghiêm ngặt.

Dù di cư bất hợp pháp không còn là mối quan ngại lớn với EU nhưng biến chủng mới Delta, Omicron của virus SARS-CoV-2 tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất ở "lục địa già" và phần còn lại của thế giới trong năm 2021. EU chưa thể quẳng đi nỗi lo Covid-19, song nhờ chương trình tiêm chủng cùng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, khu vực này đã nhanh chóng quay trở lại nhịp sống bình thường, các hoạt động kinh tế-xã hội được khôi phục và kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

 Minh chứng này được Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định trong báo cáo hồi tháng 11-2021, theo đó, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn vững chắc bất chấp tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, làn sóng mới của dịch Covid-19 hay giá khí đốt tăng vọt, kéo theo đà tăng chóng mặt của giá điện và làm dấy lên lo ngại lạm phát leo thang. Thậm chí, EC còn nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khối này trong năm 2021 từ mức 4,8% lên 5%. Đây là thông tin lạc quan hiếm hoi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, làm lóe lên hy vọng về một viễn cảnh tươi sáng ở khu vực EU trong năm 2022.

 Tuy nhiên, bên ngoài EU, không khí “lạnh” vẫn bao trùm lên mối quan hệ EU-Nga trước những bất đồng chưa thể giải quyết kể từ năm 2014 liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea. Biểu hiện rõ nhất của sự căng thẳng này là việc Mỹ và EU cáo buộc Nga có những động thái quân sự sát biên giới của Ukraine vào thời điểm cuối năm 2021. Điểm nóng Ukraine vẫn chưa giải quyết triệt để khiến mối quan hệ giữa EU và Nga tiếp tục đóng băng dù hai bên có đôi lần bật tín hiệu hòa giải.  

Không chỉ vậy, quan hệ giữa Pháp và Anh thời kỳ hậu Brexit cũng gặp nhiều trắc trở trong một năm qua. Sau bất đồng về hàng loạt vấn đề, từ nhập cư bất hợp pháp đến liên minh quân sự giữa 3 nước Anh-Mỹ-Australia (viết tắt là AUKUS), rồi hồ sơ Bắc Ireland, mối quan hệ từng "tối lửa tắt đèn có nhau" giữa Pháp và Anh lại một lần nữa trở nên "cơm không lành, canh chẳng ngọt" vì những bất đồng xung quanh việc cấp phép hoạt động ngư nghiệp tại khu vực đánh bắt cá trong vùng biển Manche.

Nhìn lại một năm qua có thể thấy, EU vẫn được xem là khu vực có nhiều tín hiệu lạc quan hơn so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, phía trước vẫn là hành trình đầy thử thách và trắc trở. EU phải gia tăng sức mạnh để giải quyết bất đồng và đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai. Điều này đòi hỏi các nước Pháp, Đức phát huy vai trò đầu tàu trong liên minh, biến nguy cơ thành cơ hội để vượt qua các khủng hoảng hiện nay.

LINH OANH