Có thể nói, xe đưa đón học sinh được ưa chuộng bởi nhiều ưu điểm như luôn theo giờ cố định, giúp trẻ có kỹ năng quản lý thời gian, tiết kiệm thời gian cho phụ huynh, giảm số lượng xe cá nhân di chuyển trên đường, giảm nguy cơ tai nạn giao thông... Cùng với sự phát triển của loại hình này, chính quyền các nước đã và đang chú trọng áp dụng giải pháp công nghệ thiết thực để bảo đảm việc đưa đón học sinh một cách an toàn nhất.   

leftcenterrightdel
Học sinh Mỹ sử dụng xe buýt đưa đón đến trường. Ảnh: National Bus Sales 

Tại Mỹ, mỗi ngày có tới 26 triệu học sinh đi trên 480.000 xe buýt đến trường. Thậm chí, đội xe buýt trường học của Mỹ cũng là đội xe vận tải công cộng lớn nhất nước này khi gấp tới 2,5 lần số lượng phương tiện của tất cả hình thức vận tải công cộng khác cộng lại. Từ năm 1970, tất cả bang của xứ cờ hoa đều ban hành luật liên quan đến xe buýt trường học. Đáng chú ý, trên những chiếc xe buýt hiện nay tại Mỹ đều được lắp hệ thống kiểm tra trẻ em (Child Check-Mate System). Theo đó, một còi báo động được đặt phía cuối xe, kết nối với động cơ xe.

Sau khi xe dừng 3 phút, lái xe cần đi xuống cuối xe để ngắt thiết bị, đồng thời là thời gian để bác tài chắc chắn rằng không còn sót học sinh trên xe. Nếu không, còi sẽ vang lên. Cùng lúc, một cảm biến phụ trợ khác có tên Theft-Mate đảm nhiệm phát hiện ra chuyển động trên xe sau khi tài xế rời đi. Nếu có, loa sẽ phát ra hiệu lệnh yêu cầu trẻ ngồi im trong xe và hệ thống sẽ gửi tin nhắn đến nơi chịu trách nhiệm. Đồng thời, camera trên xe sẽ ghi hình để làm bằng chứng khi sự việc bất thường xảy ra. Một số nơi còn lắp thêm thiết bị nhắc tài xế kiểm tra xe bằng giọng nói. Nhiều thành phố cũng triển khai ứng dụng cho phép phụ huynh tra cứu chính xác địa điểm của con mình nhờ thẻ ZPass mà học sinh mang theo và quét vào cảm biến trên xe buýt như một hình thức “điểm danh”.

Những thiết bị tương tự cũng được tích hợp trên xe buýt trường học ở các nước khác, như: Anh, Australia, New Zealand, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Hàn Quốc, Nhật Bản... Mặt khác, UAE yêu cầu nhân viên giám sát phải kiểm tra ít nhất hai lần trước khi đóng cửa xe buýt nhằm bảo đảm không còn học sinh hay vật thể lạ bị bỏ quên. Kết thúc mỗi chuyến xe, lái xe còn treo tấm biển có dòng chữ “Không còn học sinh nào trên xe” lên kính. Thậm chí, giới chức Hàn Quốc cũng đưa ra chế tài xử phạt lên tới 115USD đối với mỗi lần lái xe không tuân thủ quy định kiểm tra và tắt còi báo động trên xe. Trong một số trường hợp, nhà trường hoặc đơn vị điều hành xe buýt còn bố trí số lượng người giám sát tương ứng với tỷ lệ học sinh.

Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan nằm trong số những quốc gia đề cao tiêu chí an toàn cho trẻ đi học bằng xe đưa đón. Nhiều năm nay, đảo quốc sư tử thực hiện quản lý xe buýt trường học (SBMS) thông qua ứng dụng di động, trong đó mỗi trẻ được phát một thẻ gắn chip riêng biệt. Ứng dụng SBMS sẽ gửi 3 thông báo gồm: 10 phút trước khi xe buýt đến điểm đón, lúc trẻ lên xe buýt và khi trẻ đến trường, cho tối đa 5 thành viên trong gia đình đăng ký.

Một tính năng tiện lợi khác là cho phép phụ huynh gọi tới tài xế trong trường hợp khẩn cấp. Về phần mình, chính quyền Bangkok giới thiệu một hệ thống tiên tiến dành cho xe buýt trường học được tích hợp công nghệ định vị vệ tinh GPS và trí tuệ nhân tạo (AI). Thông qua ứng dụng cài đặt trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, nhà trường và phụ huynh đều có thể theo dõi toàn bộ hành trình qua camera lắp trên xe, thời gian và địa điểm học sinh lên, xuống xe, lộ trình xe di chuyển.

Ngoài ra, các nước cũng có quy định riêng về tiêu chuẩn thiết kế của xe đưa đón học sinh như màu sắc, ghế ngồi, đèn ưu tiên, tỷ lệ phim dán cửa sổ, không lắp rèm cửa sổ, số lượng cửa thoát hiểm, hệ thống khóa liên động... Nhiều nơi còn xây dựng quy trình đón-trả trẻ, cũng như yêu cầu tài xế xe buýt trường học và người giám sát phải trải qua các khóa đào tạo định kỳ về quy trình kiểm tra an toàn đối với học sinh.

VĂN HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.