Trong một bài viết mới đây, trang mạng Breaking Defense cho biết, trong chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Ai Cập sau một thập niên căng thẳng giữa hai nước, Ankara và Cairo đã nhất trí có kế hoạch "đưa quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất có thể".

Chuyến thăm Ai Cập vừa qua của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước trước đó căng thẳng kể từ khi Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi thuộc Phong trào Anh em Hồi giáo-vốn có mối quan hệ hữu hảo với Ankara-bị lật đổ vào năm 2013.

leftcenterrightdel
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu (bên trái) và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry tại cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Cairo, tháng 3-2023. Ảnh: Getty Images

Ngoại trưởng Çavuşoğlu cho biết tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry, cùng với hàng loạt vấn đề song phương khác, hai bên cũng thảo luận về hợp tác quốc phòng và đối thoại quân sự; nhấn mạnh Ankara và Cairo "phải hợp tác vì hòa bình và sự sống còn của khu vực".

Theo trang mạng Breaking Defense, các nhà phân tích cho rằng một mối quan hệ "tan băng" sẽ không "nhanh chóng" dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong hợp tác về các vấn đề quốc phòng hoặc bất kỳ thỏa thuận mua sắm quốc phòng lớn nào.

Điều này lại càng đúng với mối quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ khi mà hai bên hiện vẫn còn phải đối mặt với một trở ngại rất lớn liên quan tới tình hình Libya. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập dành sự ủng hộ cho các lực lượng hoàn toàn đối nghịch nhau tại Libya mặc dù lập trường của Cairo được cho là đã "bớt cứng rắn hơn" trong những năm gần đây.

Chuyên gia Ahmad Eliba thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Ai Cập có trụ sở tại Cairo nhấn mạnh, Libya là vấn đề mà Cairo và Ankara cần giải quyết trước khi bàn tới khả năng hợp tác quốc phòng song phương. Phó giáo sư David Des Roches tại Đại học Quốc phòng Mỹ cũng nhìn nhận Libya "rõ ràng là điểm tranh cãi" giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đánh giá quan hệ giữa Cairo và Ankara "hiện ở trong tình trạng hòa hoãn hơn là hữu hảo", Phó giáo sư Des Roches nêu rõ nếu "hai bên có được lòng tin với nhau" và "quan hệ song phương trở nên nồng ấm" thì những tác động đối với lĩnh vực quốc phòng "có thể sẽ cực kỳ lớn".

"Các thiết bị bay không người lái (UAV) nhiều khả năng nhất sẽ nằm ở vị trí số 1 trong danh sách các sản phẩm quốc phòng mà Ai Cập muốn mua từ Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể Ai Cập cũng sẽ mua các xe thiết giáp hạng nhẹ của Thổ Nhĩ Kỳ vốn có thể sử dụng phù hợp cho cả lực lượng cảnh sát lẫn quân đội", Phó giáo sư Des Roches nhận định.

Trong khi đó, ông Arda Mevlütoğlu, một chuyên gia quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trước khi xảy ra sự việc Tổng thống Morsi bị lật đổ vào năm 2013, Ai Cập từng quan tâm tới việc mua sắm các UAV, tàu hộ vệ và xe thiết giáp do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Chuyên gia Mevlütoğlu cho rằng một khi quan hệ song phương khởi sắc trở lại, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được thỏa thuận cung cấp những sản phẩm quốc phòng nói trên.

Trang mạng Breaking Defense dẫn lời chuyên gia Mohammed Soliman thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết Ai Cập ngày càng chú trọng đầu tư cho nền công nghiệp quốc phòng nội địa, trong đó có việc sản xuất các UAV.

Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể được Ai Cập xem là một đối tác "lý tưởng". Theo chuyên gia Mevlütoğlu, mặc dù việc hợp tác sản xuất chung các sản phẩm quốc phòng sẽ đem lại lợi ích cho cả Ai Cập lẫn Thổ Nhĩ Kỳ, song một thỏa thuận như vậy sẽ "cần có thời gian và đòi hỏi sự liên kết chiến lược".

Về phần mình, Phó giáo sư Des Roches lại cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận thấy không có nhiều lợi ích khi hợp tác sản xuất chung các sản phẩm quốc phòng với Ai Cập bởi việc này đòi hỏi ít nhất là phải chia sẻ công nghệ. Trong trường hợp như vậy, Ai Cập nhiều khả năng "sẽ đi đến kết luận rằng mua trực tiếp từ Ankara thì rẻ và dễ dàng hơn".

HOÀNG VŨ