Ngày 23-4, Reuters cho biết, gần 100 người, bao gồm tất cả nhân viên ngoại giao Mỹ và gia đình họ, cùng một số nhà ngoại giao của các quốc gia khác, đang trên đường rời khỏi Sudan. Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Khartoum cũng đã đóng cửa. Chiến dịch sơ tán trên có sự tham gia của 6 máy bay và được thực hiện với sự phối hợp của RSF. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ người Mỹ ở Sudan lập kế hoạch bảo đảm an toàn cho chính họ.

Cùng ngày, AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này đã bắt đầu sơ tán khẩn cấp công dân và nhân viên ngoại giao khỏi Sudan. Thông báo cũng nêu rõ công dân châu Âu và những người thuộc “các nước đối tác đồng minh” cũng sẽ được hỗ trợ. Trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra tuyên bố nước này đã tham gia hoạt động quốc tế nhằm sơ tán công dân Hà Lan một cách nhanh chóng và an toàn nhất có thể.

leftcenterrightdel
Quân đội Saudi Arabia đón công dân nước này sơ tán từ Sudan về tới thành phố Jeddah, Saudi Arabia. Ảnh: AFP 

Trước đó, hãng thông tấn ANSA của Italy đưa tin, Bộ Quốc phòng nước này đã sẵn sàng triển khai kế hoạch sơ tán khoảng 200 công dân ra khỏi quốc gia Đông Bắc Phi này, đồng thời lưu ý chiến dịch diễn ra tương tự hoạt động sơ tán từng được thực hiện tại Afghanistan năm 2021 song sẽ chỉ liên quan đến công dân Italy. Cũng trong ngày 23-4, Kyodo News và Yonhap lần lượt đưa tin các máy bay quân sự của Nhật Bản và Hàn Quốc đã tới Djibouti, gần Sudan để sẵn sàng hỗ trợ sơ tán công dân.

Nhiều quốc gia khác cũng tiến hành hoặc lên kế hoạch tiến hành sơ tán công dân khỏi Sudan vì xung đột leo thang. Theo CNN, từ ngày 22-4, Saudi Arabia bắt đầu sơ tán công dân tại Cảng Sudan ở Biển Đỏ, cách Khartoum 650km và chở công dân tất cả các nước khác có nhu cầu rời đi bằng tàu hải quân. Tính đến sáng 23-4, hơn 150 người từ nhiều quốc gia đã tới địa điểm an toàn tại Saudi Arabia. Jordan cũng dự kiến sơ tán công dân bằng tuyến đường này.

Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Sudan thông báo quyết định sơ tán công dân khỏi khu vực xung đột bằng đường bộ qua nước thứ ba, trong đó cung cấp các điểm tập trung và khuyến nghị cần thiết cho chuyến đi kéo dài khoảng 22-24 giờ. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ai Cập đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Sudan để chuẩn bị sơ tán công dân về nước khi điều kiện cho phép.

Trong khi đó, theo Al Jazeera, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Cộng hòa (CH) Chad Pierre Honnorat cho biết, cơ quan này dự báo sẽ có thêm nhiều người tị nạn Sudan tới CH Chad để lánh nạn. Khoảng 10.000 đến 20.000 người đã vượt biên giới sang CH Chad chỉ một tuần sau khi giao tranh bắt đầu ở thủ đô Khartoum và các khu vực khác của Sudan. 

Theo Reuters, mặc dù hai bên nhất trí đình chiến 3 ngày, bắt đầu từ 21-4, nhằm tạo điều kiện cho dân thường đến nơi an toàn và thăm gia đình trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo, song các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF vẫn được ghi nhận trong ngày 22-4. Cả hai bên đều cáo buộc đối phương không tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Cơ quan hàng không dân dụng Sudan cũng gia hạn đóng cửa không phận nước này đến ngày 30-4.

Cũng theo Reuters, trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế Sudan cho biết, số người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ vũ trang ở Sudan đã vượt quá 600 người. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) báo cáo rằng hơn 410 người đã thiệt mạng và hơn 3.500 người khác bị thương.

HIẾU VĂN