Nguy cơ bùng phát

Trung tuần tháng 6, Chính phủ Pháp phấn khởi khi số bệnh nhân Covid-19 nhập viện, số người điều trị trong phòng hồi sức đặc biệt liên tục giảm. Paris hy vọng sẽ đón du khách trong hai tháng hè sau nhiều tháng đóng cửa biên giới, người dân phải sống với lệnh giới nghiêm, khán giả bị cấm lui tới các sân vận động... Tuy nhiên, sau cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng ngày 23-6 vừa qua, phát ngôn viên Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal cảnh báo có từ 9 đến 10% bệnh nhân Covid-19 tại Pháp nhiễm biến thể Delta. Tỷ lệ này tăng rất nhanh vì so với đúng một tuần trước đó chỉ chiếm từ 2 đến 4%. Riêng tại vùng Landes, miền Tây Nam nước Pháp, có tới 70% trường hợp nhiễm biến thể Delta. Nhà nghiên cứu Florence Débarre, thuộc Trung tâm nghiên cứu Khoa học quốc gia của Pháp (CNRS) nhận định, biến thể Delta với mức độ lây nhiễm cao hơn so với những gì quan sát được tới nay sẽ chiếm vị trí áp đảo trong số các bệnh nhân mắc Covid-19.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện biến thể Delta đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng trong những cộng đồng chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tại châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước, như: Pháp, Đức, Italy hay Bồ Đào Nha. Tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh. Theo ECDC, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40 đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh. ECDC dự đoán, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8. ECDC cảnh báo, biến thể Delta sẽ lây lan rộng trong mùa hè năm nay, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi là những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. 

 Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Klinikum Darmstadt, Đức. Ảnh: Reuters

Vaccine - “chìa khóa” kiểm soát dây chuyền lây nhiễm

Việc biến thể Delta bùng phát mạnh một lần nữa đe dọa cuộc sống bình thường của người dân các nước châu Âu, sau khi họ đã phải trải qua thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và mới chỉ trở lại "cuộc sống thường nhật" một thời gian rất ngắn. Hy vọng về một mùa hè tự do, thoải mái giờ đây có nguy cơ phải nhường chỗ cho những lo ngại về làn sóng bùng phát dịch bệnh mới ở nhiều nước mà hệ lụy của nó chưa thể đo đếm được.

Các chuyên gia y tế châu Âu nhận định, trong trường hợp biến thể Delta lây lan mạnh, hậu quả rõ rệt nhất là số bệnh nhân Covid-19 tăng trở lại và sẽ đẩy các y tá, bác sĩ vào một chu kỳ căng thẳng mới, đồng thời kéo theo nguy cơ các bệnh viện bị quá tải. Bên cạnh đó, một phần các hoạt động kinh tế, sinh hoạt trong xã hội ở châu Âu vừa mở cửa trở lại sau hơn một năm rưỡi chống chọi với nhiều đợt dịch sẽ lại bị phong tỏa.

Tuy nhiên, tình trạng không đến nỗi đen tối nếu biến thể Delta có tỷ lệ lây nhiễm dưới 1, tức là 1 ca dương tính lây cho chưa đầy 1 người khác. Theo nhà nghiên cứu Samuel Alizon, Giám đốc CNRS, vấn đề đặt ra trước mắt là bản thân virus SARS-CoV-2 và các biến thể vẫn còn nhiều “mảng tối” mà giới y khoa chưa giải mã được hết. Do vậy, giải pháp duy nhất là kiểm soát và ngăn chặn dây chuyền lây nhiễm.

Chìa khóa cho phép kiểm soát dây chuyền lây nhiễm, theo ông Samuel Alizon, đó là tiêm đủ 2 liều vaccine để chống chọi với biến thể Delta. Theo nhà khoa học này, kiểm soát đà lây nhiễm của biến thể Delta và tiêm chủng là “hai mặt của một đồng xu”. Kìm hãm được mức độ bùng phát của biến thể này càng lâu thì càng có thêm thời gian để tiêm chủng và càng đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng thì các điều kiện lây lan sẽ trở nên khó khăn hơn với mọi biến chủng của SARS-CoV-2. Số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh cũng chỉ ra rằng, nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng do biến thể Delta. Trong trường hợp tiêm chưa đủ liều, khả năng bảo vệ kém hơn nhiều, chỉ ở mức 35%. 

Do vậy, hơn bao giờ hết, tiêm vaccine ngừa Covid-19 là giải pháp hiệu quả, vừa cho phép ngăn chặn làn sóng dịch mới, vừa là ngõ thoát hiểm giải cứu châu Âu thoát khỏi tác động của “cơn ác mộng” Delta cả về mặt y tế lẫn xã hội và kinh tế.

BÌNH NGUYÊN