Evert Mabela, 44 tuổi, đến từ Bắc Kivu, một tỉnh ở phía Đông Cộng hòa dân chủ Congo, dậy trước bình minh và cùng những người bạn bắt đầu công việc nhặt rác hằng ngày. Với bàn tay khéo léo, họ đã biến các vật liệu, bao gồm giấy báo cũ, nhựa và hộp carton lấy từ bãi rác ở Trại tị nạn Dukwi thành nhiều mặt hàng khác nhau và bán chúng để tăng thu nhập.

Được thành lập vào năm 1978, Trại Dukwi hiện là nơi sinh sống của ít nhất 725 người tị nạn. Là một trong số 430 người tị nạn Congo sống tại đây, Mabela đã tích cực tham gia các hoạt động đem lại lợi ích cho cộng đồng và bảo vệ môi trường, dù bản thân cô phải chịu đựng vô số khó khăn khi mất nhà cửa, người thân và sinh kế do xung đột ở quê hương. Mabela chia sẻ: “Tôi không thể đánh mất hy vọng và tôi quyết tâm tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng và môi trường”. Mabela nhấn mạnh rằng, việc tái chế rác thải không chỉ tạo ra thu nhập cho những người tị nạn như cô mà còn góp phần giữ cho khu vực xung quanh Trại tị nạn Dukwi sạch sẽ. Những đồ tái chế do họ làm ra, từ khung ảnh, chậu hoa đến đồ trang trí trên bàn và hộp đựng bút thường có giá dao động 5-20USD.

leftcenterrightdel

Một số đồ trang trí do phụ nữ tại Trại tị nạn Dukwi làm. Ảnh: Tân Hoa xã 

Bắt đầu vào tháng 4-2023, dự án đã thu hút khoảng 30 phụ nữ với nhiều quốc tịch khác nhau tại Trại tị nạn Dukwi tham gia. Tất cả đều nỗ lực biến rác thải thành kho báu. Namco Bool, một người tị nạn 30 tuổi, đến từ Somalia, cho biết: “Dự án của chúng tôi dần dần thu hút được sự chú ý trong khu vực, khiến nhiều người ngạc nhiên khi thấy những vật liệu bỏ đi có thể biến thành thứ gì đó đẹp đẽ”. Họ không chỉ bán các tác phẩm sáng tạo ở Francistown, thành phố lớn thứ hai của Botswana, nằm cách trại tị nạn 80km về phía Tây mà còn tham gia vào nhiều buổi triển lãm, hội chợ. Doanh thu từ việc bán các sản phẩm tái chế mang lại khoảng 1.000USD mỗi tháng cho trại tị nạn.

Bộ trưởng Tư pháp Botswana Machana Ronald Shamukuni lưu ý, doanh thu do những phụ nữ tị nạn tạo ra giúp lấp đầy khoảng trống tài chính do sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế ngày càng cạn kiệt. Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này, ông Shamukuni cho biết: “Thứ nhất, dự án thổi sức sống mới vào những vật liệu bỏ đi, đặc biệt là giấy báo cũ và đồ nhựa. Thứ hai, dự án mang lại thu nhập cho những người tị nạn khốn khổ, những người có ít lựa chọn việc làm”.

THU NGA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.