Ngày 20-10-1916, tại cảng Sevastopol, một vụ nổ lớn đã xảy ra phía dưới thiết giáp hạm “Nữ hoàng Maria” của Hạm đội Đế chế Nga. Trong số thủy thủ đoàn (gồm 1.220 thủy thủ và sĩ quan), có 225 người tử nạn và 85 người khác bị thương nặng. Đến nay, vẫn chưa xác định được hoàn toàn nguyên nhân gây ra tai nạn, trong khi các nhà nghiên cứu chủ đề này vẫn tiếp tục đưa ra những giả thuyết khác nhau.
Sau những tổn thất nặng nề mà Hạm đội Nga phải gánh chịu trong chiến tranh Nga-Nhật, nước này đã xây dựng chương trình hiện đại hóa lực lượng hải quân. Một phần của chương trình có đề cập đến việc đóng những thiết giáp hạm mới, bởi lúc đó loại tàu chiến này là hiện thân cho sức mạnh của những quốc gia hàng đầu. Chỉ một số ít nước, trong đó có Nga, có đủ năng lực chế tạo thiết giáp hạm.
 |
Thiết giáp hạm “Nữ hoàng Maria” đi qua ngọn hải đăng Kherson. Ảnh: wikimedia.org |
“Nữ hoàng Maria” được đóng để thực hiện chức năng như tàu dẫn đầu của bộ ba thiết giáp hạm. Hai chiếc còn lại tàu mang tên “Catherine Đại đế” và “Hoàng đế Alexander III”. Soái hạm “Nữ hoàng Maria” được đặt theo tên của vợ Sa hoàng Alexander III, cũng như để hoài niệm chiếc thiết giáp hạm cùng tên do Đô đốc Nakhimov nổi tiếng chỉ huy vào giữa thế kỷ XIX.
Tất cả các công đoạn sản xuất được thực hiện tại xưởng đóng tàu ở Nikolaev, nơi con tàu được khởi công vào tháng 10-1911 và hạ thủy vào tháng 7-1915. Chiếc thiết giáp hạm dài 168m và rộng 27m, có tổng lượng choán nước gần 25.000 tấn. Lớp giáp bảo vệ các bộ phận của con tàu dày từ 100mm đến 300mm. Vũ khí trang bị phù hợp với tàu lớp Dreadnought, bao gồm 12 tháp pháo cỡ nòng 305mm, 20 pháo cỡ nòng 130mm và 5 pháo cao xạ cỡ nòng 75mm. Ngoài ra, trên tàu còn có 4 ống phóng ngư lôi cỡ 457mm. Bốn tua bin hơi nước quay 4 chân vịt cho phép đạt tốc độ lên tới 21,5 hải lý/giờ (gần 40km/giờ). Đây là những con số ấn tượng đối với một con tàu hạng nặng.
Chiếc thiết giáp hạm được biên chế cho Hạm đội Biển Đen và khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nó đã kịp tham gia một số chiến dịch. Đô đốc Alexander Kolchak, người được phong làm chỉ huy Hạm đội, đã chọn “Nữ hoàng Maria” làm soái hạm. Tuy nhiên, chiếc thiết giáp hạm đã đột ngột dừng hoạt động do xảy ra sự cố tai nạn, mà nguyên nhân được đưa ra với 3 giả thuyết chính.
 |
Thiết giáp hạm “Nữ hoàng Maria” nằm trên lên ụ nổi để sửa chữa năm 1919. Ảnh: wikimedia.org |
Những giả thuyết từ sơ suất đến phá hoại
Ngày 20-10-1916, tại khu vực gần cảng Sevastopol xảy ra một vụ nổ lớn. Khoang thuốc súng trên chiến hạm “Nữ hoàng Maria” nổ tung, tạo ra đám khói đen bốc lên phía trên con tàu. Không lâu sau con tàu bị chìm, nhưng hoạt động cứu hộ đã giúp đưa phần lớn thủy thủ lên bờ. Trên thực tế, đó không phải là một vụ nổ đơn lẻ, mà trên tàu khi bốc cháy người ta đếm được có tổng cộng 25 vụ nổ. Đội cứu hỏa đã dập tắt được ngọn lửa ở khoang thuốc súng của tháp pháo thứ hai, nhưng vẫn không cứu được chiếc thiết giáp hạm. Đô đốc Kolchak viết trong bức điện gửi Bộ Tổng tham mưu Hạm đội Hải quân: “Là cá nhân có mặt trên con tàu, tôi làm chứng rằng, đội tàu đã làm tất cả những gì có thể để cứu nó”.
Ủy ban điều tra đã đưa ra 3 giả thuyết chính gây ra vụ tai nạn, đó là do sơ suất trong việc bảo quản đạn dược, khoang thuốc súng tự bốc cháy và hoạt động phá hoại. Cuối cùng, giả thuyết phá hoại được cho là có nhiều khả năng nhất. Tuy nhiên, Ủy ban này vẫn không thể xác định được nguyên nhân chính thức gây ra vụ nổ.
Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu cũng thiên về giải thuyết phá hoại. Vào thập niên 1990, các nhân viên Cục Lưu trữ Trung ương của Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã công bố vụ án nhóm gián điệp và phá hoại “Control K” của Đức. Nhóm này đã bị phát giác vào năm 1933. Một trong những thành viên chủ chốt của nhóm là sĩ quan tình báo Đức Viktor Werman. Người này đã từng sinh sống tại Nikolaev ngay trước khi xảy ra vụ nổ thiết giáp hạm, cũng như sau Cách mạng Tháng Mười và Nội chiến Nga vẫn tiếp tục ở lại đó. Bởi lẽ, ông ta xuất thân từ một gia đình người Đức gốc Nga và sinh ra ở Kherson. Trong các cuộc thẩm vấn, Werman khai đã thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau của tình báo Đức trong Thế chiến I. Người này cũng đã được trao tặng Huân chương Thập tự Sắt hạng 2 trong cuộc can thiệp của Đức năm 1918.
Gián tiếp trong vụ phá hoại là việc 5 tàu chiến của các đồng minh (3 tàu của Anh và 2 tàu của Ý) cũng nổ tung tại bến cảng của họ mà không rõ lý do. Điều này có thể cho thấy hoạt động phá hoại quy mô lớn của các cơ quan tình báo Đức chống lại các nước Entente, mà Nga cũng là thành viên sáng lập.
“Số phận” của thiết giáp hạm sau vụ nổ
Việc trục vớt thiết giáp hạm “Nữ hoàng Maria” được bắt đầu lên kế hoạch ngay sau khi nó bị chìm năm 1916. Cũng trong năm đó thì công việc bắt đầu tiến hành. Toàn bộ các khẩu pháo 130mm và phần lớn đạn dược đã được đưa ra khỏi con tàu. Tháng 5-1918, chiến hạm nổi lên hoàn toàn sau nhiều tháng cung cấp không khí cho các khoang được các thợ lặn bịt kín. Vào tháng 8 năm đó, nó được đưa lên ụ nổi để sửa chữa và phục hồi. Tuy nhiên, cuộc Nội chiến Nga và suy thoái kinh tế tài chính sau đó đã cản trở thực hiện công việc này. Năm 1927, người ta quyết định tháo dỡ chiếc thiết giáp hạm này ra làm kim loại.
Thế nhưng, sự việc vẫn chưa kết thúc ở đó. Năm 1931, một đoàn thám hiểm đặc biệt của EPRON (một tổ chức của Liên Xô chuyên tiến hành các công việc dưới nước) đã đưa các tháp pháo của thiết giáp hạm lên. Ngày nay người ta vẫn cho rằng, chính con tàu đã từng tham gia vào cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tuy nhiên, điều này là không đúng thực tế, bởi các đội pháo Sevastopol chỉ dùng đến những chiếc bệ pháo lấy từ chiến hạm “Nữ hoàng Maria” mà thôi.
QUỐC KHÁNH (theo rg.ru)