Theo AFP, ngày 12-11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhận định, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục xấu đi ở châu Âu, trong đó, tình hình tại 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) được coi là rất đáng lo ngại. Theo ECDC, số lượng ca bệnh, người nhập viện và số người chết dự kiến sẽ tăng trong hai tuần tới. Trong số 27 quốc gia thành viên EU thì Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách “rất đáng lo ngại”.
Tại Hà Lan, quốc gia này đã áp đặt tái phong tỏa một phần để ngăn chặn dịch Covid-19. Tại cuộc họp báo tối 12-11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tuyên bố siết chặt các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong 3 tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo đó, kể từ ngày 13-11, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng thiết yếu như siêu thị sẽ phải đóng cửa lúc 20 giờ và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa lúc 18 giờ. Người dân Hà Lan được kêu gọi không đón tiếp quá 4 người trong nhà và nên làm việc từ xa.
Người dân cũng được yêu cầu đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng. Trường học, rạp hát và rạp chiếu phim vẫn được mở cửa. Tình hình dịch bệnh tại Hà Lan đang phức tạp bất chấp việc 82% người dân trên 12 tuổi tại nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Các nhà chức trách ở một số quốc gia châu Âu khác cũng đang chuẩn bị đưa ra những biện pháp hạn chế mới để phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiều chuyên gia lo ngại khu vực này sẽ phải đối mặt với mùa đông u ám vì dịch bệnh. Áo đang cân nhắc việc hạn chế nghiêm ngặt đối với những người chưa tiêm phòng, trong khi cơ quan y tế của Đức kêu gọi hủy bỏ các sự kiện lớn.
 |
Người dân đi lại trên đường phố thủ đô Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: Reuters |
Theo ông Hans Kluge, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, tốc độ lây lan của dịch bệnh ở khu vực này hiện nay là điều gây lo ngại nghiêm trọng. “Một lần nữa, châu Âu lại trở thành tâm dịch của thế giới. Theo một dự báo đáng tin cậy, nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, đến đầu tháng 2-2022, châu Âu có thể ghi nhận 500.000 ca tử vong do Covid-19”, ông Kluge nói trong một tuyên bố; đồng thời hối thúc chính phủ các nước thành viên EU cần nhanh chóng hành động để ngăn chặn virus lây lan.
Châu Âu là khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao trên thế giới. Tuy nhiên, số ca nhiễm đang gia tăng tại “lục địa già”. Các nhà virus học và chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân dẫn tới điều này có thể đến từ sự kết hợp giữa tỷ lệ tiêm phòng thấp ở một số nơi, suy giảm miễn dịch ở những người được tiêm vaccine sớm cùng việc một số người dân không đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi chính phủ các nước nới lỏng những biện pháp phòng dịch trong mùa hè.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng hai loại thuốc điều trị Covid-19 là Ronapreve do hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ sản xuất và Regdanvimab của Công ty Dược phẩm Hàn Quốc Celltrion. Ủy viên phụ trách vấn đề y tế của EU Stella Kyriakides cho biết, việc phê duyệt hai loại thuốc này là một bước quan trọng trong việc chống lại Covid-19 cùng với 4 loại vaccine mà EU đang sử dụng hiện nay.
Trong một thông cáo, bà Kyriakides nhấn mạnh, trong bối cảnh gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 ở hầu hết các quốc gia thành viên, nhiều phương pháp điều trị đầy hứa hẹn đang được phát triển như một phần trong chiến lược của EU để chống lại đại dịch.
LÂM ANH