Đúng 13 giờ ngày 23-6, giờ Hà Nội (7 giờ sáng, giờ Anh), hàng triệu cử tri Anh đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý quyết định tư cách thành viên của quốc gia này tại Liên minh châu Âu (EU), một quyết định không chỉ ảnh hưởng tới tương lai của riêng nước Anh mà còn của cả liên minh có bề dày lịch sử 60 năm này. Ủy ban bầu cử Anh cho biết số người đăng ký tham gia bỏ phiếu đạt mức kỷ lục là 46,5 triệu người. Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 22 giờ địa phương (4 giờ sáng 24-6, giờ Hà Nội). Công tác kiểm phiếu sẽ bắt đầu ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Tổng cộng có 382 khu vực kiểm phiếu đã được thành lập trong đó có 380 điểm ở Anh, xứ Uên và Xcốt-len, một khu vực ở Bắc Ai-len và một ở vùng lãnh thổ Gin-bran-ta (Gilbraltar).

Một tờ báo với lời kêu gọi bỏ phiếu cho Anh ở lại Liên minh châu Âu. Ảnh: AP 

Thủ tướng Anh Đ.Ca-mơ-rôn (David Cameron) tổ chức trưng cầu dân ý do đối mặt với áp lực từ đảng Bảo thủ cầm quyền của ông và ảnh hưởng ngày càng tăng từ phe phản đối EU. Ông hy vọng cuộc trưng cầu sẽ giúp kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về vị trí của Anh ở châu Âu và quan hệ với EU.

Các nhà vận động của cả hai phe hôm 22-6 đều chạy đua tìm cách giành lượng cử tri chưa quyết định "rời" khỏi EU (Brexit), hay "ở lại". Trong ngày vận động cuối cùng, Thủ tướng Anh Ca-mơ-rôn đã đến thành phố Bri-xtôn cùng với cựu Thủ tướng Giôn Mây-giơ (John Major) và cựu Thủ lĩnh Công đảng Ha-ri-ét Ha-man (Harriet Harman) để thuyết phục cử tri bỏ phiếu lựa chọn Anh ở lại EU. Sáng cùng ngày, ông Ca-mơ-rôn nói trên đài phát thanh BBC Radio 4 rằng quyết định rời khỏi EU sẽ tác động to lớn tới nước Anh, gây ra những thiệt hại không thể tính toán hết cho tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm và ngân sách của mỗi gia đình. Ở một sự kiện khác, xuất hiện cùng Thủ hiến xứ Uên Ca-uyn Giôn (Carwyn Jones) và Thị trưởng Luân Đôn Xa-đích Khan (Sadiq Khan), Thủ lĩnh Công đảng Giê-rê-mi Cô-bin (Jeremy Corbyn) kêu gọi các ủng hộ viên của Công đảng tích cực đi bỏ phiếu và lựa chọn ở lại.

Trong khi đó, các nhà vận động Brexit cũng ráo riết không kém trong nỗ lực lôi kéo những cử tri còn lưỡng lự. Có mặt tại chợ thủy hải sản Billingsgate nổi tiếng ở thủ đô Luân Đôn trước khi thực hiện chuyến đi xuyên xứ Anh để vận động cử tri, cựu Thị trưởng Luân Đôn Bô-rít Giôn-xơn (Boris Johnson) kêu gọi người dân Anh tin tưởng vào đất nước và chớp lấy thời cơ này để lấy lại "tự do" cho nước Anh. Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) N.Pha-rác (Nigel Farage) kêu gọi cử tri Anh hãy "bỏ phiếu với trái tim và linh hồn" để đưa Anh trở lại là một đất nước thông thường tự viết lên các điều luật của mình và tự quyết phẩm giá của mình trong tương lai.

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 được coi là quan trọng bậc nhất đối với nước Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai nên điều dễ hiểu là dư luận nước này dành sự quan tâm cao độ cho lần đi bỏ phiếu này. Hiện tại thì câu hỏi liệu nước Anh có rời Liên minh châu Âu hay không vẫn đang hoàn toàn bỏ ngỏ bởi các cuộc thăm dò cuối cùng trước ngày trưng cầu dân ý cho thấy tỷ lệ người ủng hộ Anh ở lại EU và tỷ lệ muốn thấy Brexit diễn ra đang rất sít sao.

Nếu như cách đây 3 ngày, số người ủng hộ Anh ở lại EU lần đầu tiên kể từ tháng 3-2016 cao hơn số người muốn thấy Brexit, ở mức 44% và 43% thì các cuộc thăm dò mới nhất vào tối 22-6, tức chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Brexit lại vượt lên dẫn đầu. Cụ thể, theo cuộc thăm dò của Opinium, 45% muốn Anh rời EU, 44% muốn ở lại còn theo cuộc thăm dò của TNS thì con số này lần lượt là 43% và 41%. Trước đó, kết quả cuộc khảo sát qua điện thoại do hãng thăm dò ComRes tiến hành cho tờ Daily Mail và truyền hình ITV của Anh, cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ Anh ở lại EU vượt lên dẫn trước 6 điểm so với tỷ lệ ủng hộ Brexit (48%/42%), trong khi cuộc thăm dò do tổ chức YouGov tiến hành cùng thời điểm cho kết quả lần lượt là 51%/49%.  

Điều này cho thấy, mức độ ủng hộ và phản đối Brexit ở Anh hiện đang rất cân bằng và kết quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lượng cử tri đang lưỡng lự hiện chiếm khoảng 16-20%. Ngoài ra, việc giới trẻ Anh, vốn ủng hộ rất mạnh việc Anh ở lại EU, có đi bỏ phiếu đông đảo hay không cũng là một ẩn số bởi theo ước tính, khoảng 30% lượng cử tri trẻ Anh quốc chưa biết có đi bỏ phiếu hay không?

Trong lúc này thì cả châu Âu có thể nói là đang “nín thở” chờ đợi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh bởi khác với dân chúng Anh, đa số các nước châu Âu đều không muốn nhìn thấy Brexit diễn ra bởi đó sẽ là một thất bại lớn đối với toàn bộ EU.

Một ngày trước cuộc bỏ phiếu, ngày 22-6, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) cảnh báo những hậu quả nếu người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu. Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng R.Phi-cô (Robert Fico)-nước sẽ giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Âu trong 6 tháng  tới, ông Ô-lăng-đơ khẳng định: “Sẽ là một nguy cơ nghiêm trọng nếu như Anh không thể tiếp cận thị trường chung của khối. Mọi người cần nhận thức được điều này sau cuộc bỏ phiếu. Lập trường của Pháp là nếu người dân Anh lựa chọn rời bỏ EU trong cuộc trưng cầu dân ý thì đây sẽ là một quyết định không thể đảo ngược”. Thủ tướng Đức A.Méc-ken (Angela Merkel) cũng bày tỏ hy vọng các cử tri Anh nên lựa chọn ở lại khối. Theo bà Méc-ken, EU sẽ tôn trọng bất cứ kết quả nào trong cuộc trưng cầu ý dân tại Anh, nhưng mong muốn Anh vẫn là một phần của EU. Trong khi đó, Thủ tướng Ca-na-đa Giu-xtin Tru-đô (Justin Trudeau) ngày 22-6 hối thúc người dân Anh lựa chọn lá phiếu ở lại EU, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ được thấy Luân Đôn tiếp tục đóng góp tiếng nói mạnh mẽ trong liên minh gồm 28 nước thành viên nay.

Nước Anh đang đứng trước thời khắc lịch sử để quyết định số phận tương lai của mình và của cả châu Âu. Tỷ lệ sít sao của phe "đi" và "ở lại" chỉ 1 ngày trước thềm cuộc bỏ phiếu càng cho thấy mức độ khó định đoán kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lần này.

Dự kiến kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố sau 10 giờ ngày hôm nay (24-6, giờ Việt Nam).

NGỌC HÀ