Theo Korea Times, Cục Hải quan Hàn Quốc (KCS) đã thông báo cho phép thông quan hàng hóa nhập khẩu 24/24 giờ, bắt đầu từ ngày 9-1, nhằm ổn định giá các mặt hàng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. KCS đã huy động một đơn vị đặc biệt để bảo đảm việc thông quan bất kể ngày đêm trên toàn quốc và hoạt động này sẽ được thực hiện trong 3 tuần, đến ngày 27-1. 

KCS cũng cho biết sẽ công khai giá 79 mặt hàng thực phẩm nhập khẩu có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán. Giá hàng hóa sẽ được công bố hằng tuần trên trang web của KCS, để người tiêu dùng có thể kịp thời nắm thông tin, thuận tiện hơn cho việc mua sắm.

leftcenterrightdel
Các sản phẩm đồ ăn được trưng bày tại một cửa hàng E-Mart ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Yonhap 

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân đón Tết, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ chi 30 tỷ won (khoảng 24,2 triệu USD) và cùng với các doanh nghiệp bán lẻ có biện pháp để bình ổn giá các loại thực phẩm chính. Theo Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho: Chính phủ nước này cố gắng để 16 mặt hàng thực phẩm được mua sắm nhiều trước Tết, bao gồm táo, lê, thịt lợn... có giá thấp hơn năm ngoái, bằng cách tăng nguồn cung lên 208.000 tấn thực phẩm, số lượng nhiều nhất từ trước đến nay. Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ gia hạn biện pháp giảm thuế nhập khẩu đối với hai mặt hàng thịt gà và thịt lợn cho tới tháng 3 và tháng 6.

Để san sẻ gánh nặng chi phí năng lượng cho người dân, Chính phủ Hàn Quốc cũng hỗ trợ 118,6 tỷ won tiền điện cho 3,4 triệu hộ gia đình thu nhập thấp và hộ có người khuyết tật, mở rộng thêm nhiều phiếu giảm giá tiền điện, gas. Ngoài ra, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Chính phủ Hàn Quốc sẽ không thu phí đường cao tốc. Bãi đỗ xe công cộng cũng được mở cửa miễn phí trong dịp này.

Tết Nguyên đán là quãng thời gian vô cùng quan trọng đối với người dân nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Hàn Quốc. Thế nhưng bên cạnh niềm phấn khởi khi Tết đến, xuân về, họ cũng phải đau đầu suy nghĩ xem làm thế nào để có thể ăn Tết đầy đủ mà vẫn vừa túi tiền.

Theo Bloomberg, Hàn Quốc là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước áp lực lạm phát toàn cầu, bởi nước này phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn năng lượng và hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, giá tiêu dùng ở nước này trong năm 2022 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Nguyên nhân được cho là do chi phí năng lượng và lương thực tăng cao vì nguồn cung bị hạn chế từ ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine và nhu cầu trong nước tăng khi kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Đầu năm 2023, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Giá xăng dầu tăng liên tục kể từ ngày 1-1. Để đi lại thoải mái trong tháng Tết, người dân Hàn Quốc có thể mất thêm 80-120USD tiền đổ xăng so với tháng trước. Chị Lee Ju-hyung, một phụ nữ Hàn Quốc chia sẻ: "Đi đâu tôi cũng cố gắng tìm xem có trạm xăng nào giá rẻ hơn không".

Không chỉ xăng dầu mà cả giá thực phẩm cũng tăng lên. Năm nay, để chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên trong ngày Tết âm lịch của một gia đình Hàn Quốc trung bình hết hơn 310.000 won (hơn 250USD). Người phát ngôn của tập đoàn bán lẻ E-Mart cho biết: “Gần đây, gánh nặng tài chính đối với các mâm cơm cúng dịp Tết ngày càng lớn hơn trong bối cảnh giá cả leo thang”. 

Điều này buộc người tiêu dùng Hàn Quốc phải áp dụng những biện pháp chi tiêu tiết kiệm hơn trong dịp Tết để giữ chi phí sinh hoạt trong phạm vi giới hạn. Có 66,7% người tham gia cuộc khảo sát gần đây của Incruit Corp cho biết họ sẽ đơn giản hóa các món ăn bày biện trên mâm cơm cúng dịp Tết Nguyên đán nhằm sắm sửa Tết đủ đầy theo cách tiết kiệm nhất trong thời "bão giá".

HÙNG HÀ