Theo The Washington Post, lý do Amazon quyết định rót tiền đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trực tuyến là bởi ngày càng có nhiều người phụ thuộc vào những dịch vụ trên trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, khiến Chính phủ Mỹ phải ban hành các biện pháp hạn chế. Bên cạnh đó, quyết định này cũng xuất phát từ chính nhu cầu của nhân viên công ty khi có tới hơn 19.000 trong tổng số khoảng 1,3 triệu nhân viên tuyến đầu của Amazon và chuỗi siêu thị Whole Foods Market có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Với ứng dụng y tế từ xa, người dùng có thể kết nối trực tuyến với bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe qua điện thoại 24 giờ mỗi ngày, thời gian chờ đợi trung bình dưới 60 giây. Ứng dụng này cung cấp dịch vụ chăm sóc thông qua tin nhắn hoặc video, đồng thời cung cấp cả dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, bao gồm việc xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng, chăm sóc phòng ngừa và yêu cầu kê đơn. Riêng tại khu vực Seattle, những nhân viên của Amazon sử dụng ứng dụng này có quyền truy cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà như giao thuốc và được các y tá đến lấy máu, tiêm phòng và những dịch vụ trực tiếp khác.

Có thể nói, trong thời điểm dịch bệnh buộc nhiều người phải ở trong nhà, hạn chế các tiếp xúc xã hội, việc Amazon cho ra mắt hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe từ xa là bước đi đúng đắn. Hồi cuối năm ngoái, sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới này cũng đã nhảy vào lĩnh vực bán thuốc kê đơn với việc khai trương Amazon Pharmacy, hiệu thuốc trực tuyến cho người tiêu dùng Mỹ. Điều này giúp người dùng không cần mạo hiểm đến các cơ sở y tế hay hiệu thuốc, họ cũng có thể tiết kiệm thời gian thăm khám và mua thuốc chữa bệnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng Amazon có thể nhanh chóng giành được thị phần trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

NGỌC HÂN