Chiều 30 Tết, các bợm nhậu chúng tôi hẹn nhau tụ họp ở một nhà hàng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vẫn để… làm tý Tất niên. Người thì được người nhà chở tới, người thì đi GrabBike, còn chảnh hơn thì gọi hẳn GrabCar hoặc taxi Xanh SM. Cẩn thận vậy để tiệc tàn còn kịp về đón Giao thừa cùng gia đình, tránh được tai nạn và tránh luôn “vận xui” khi bị kiểm tra nồng độ cồn.
Trong lúc chờ đủ nhân sự, bên làn khói của bát giả cầy giòn giòn, mềm mềm, phảng phất mùi mắm tôm và tô điểm bằng mấy lá rau răm xanh biếc trên nền riềng xay, một bợm nhậu cất tiếng điểm danh:
- Có anh em nào trong năm không bị phạt vì nồng độ cồn không nhỉ?
Cả nhóm nhìn nhau, không ai trả lời.
- Thế ai còn giấy phép lái xe thì trả bữa này nhé?
Vẫn không ai trả lời. Bỗng một người ý kiến:
- Thực ra anh em ta vẫn nhậu từ lúc chưa có Nghị định 100 nhưng từ ngày làm nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn anh em ta thiệt hại nặng quá, bị phạt tiền là một nhẽ, lại còn bị thu cả giấy phép lái xe và giờ đi nhậu cũng không thể “tới bến” như trước.
Cả nhóm gật gù, chia sẻ. Một người khác nói:
- Thường thì nếu bị công an dừng xe kiểm tra chúng ta sẽ cãi được nếu không có cái máy đo nồng độ cồn. Ai phát minh ra cái máy dở hơi ấy nhỉ?
- Tất nhiên không phải chúng ta rồi. Google thử xem? Cả nhóm đồng thanh.
Kết quả sau 1 giây:
Những nghiên cứu đầu tiên về khả năng kiểm tra nồng độ cồn trong cơ thể con người qua hơi thở bắt đầu từ năm 1874 khi bác sĩ người Anh Francis Edmund Anstie phát hiện có một lượng nhỏ cồn trong hơi thở.
Thế nhưng, phải tới năm 1927, những nghiên cứu về xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở mới thai nghén. Tất nhiên, ở thời điểm này, việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu và nước tiểu đã được thực hiện. Bác sĩ y khoa người Mỹ Emil Bogen khi đó đã giới thiệu một nghiên cứu về phân tích hơi thở bằng cách thu không khí vào ruột một quả bóng rồi xét nghiệm lượng khí này để tìm dấu vết của cồn. Nghiên cứu của ông chỉ ra lượng cồn trong 2l không khí đó lớn hơn một chút so với lượng cồn thu được trong 1 ml nước tiểu.
Cũng trong năm 1927, William Duncan McNally, một nhà hóa học ở Chicago, Mỹ, phát minh ra máy đo nồng độ cồn trong hơi thở bằng cách cho hơi thở đi qua nước chứa các hóa chất và các hóa chất này đổi màu. Có người khi đó đã gợi ý dùng phát minh của ông cho các bà nội trợ để kiểm tra xem chồng mình có bị say không.
Ở bên kia Đại Tây Dương, cuối năm 1927, trong một phiên tòa ở Marlborough (Anh), bác sĩ pháp y đã yêu cầu một nghi phạm thổi vào ruột một quả bóng để kiểm tra. Kết quả là hơi thở của người đàn ông này chứa 1,5mg ethanol, bác sĩ này chứng nhận trước tòa rằng bị cáo đã “say 50%”.
Đến năm 1931, thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở mới được đưa vào sử dụng. Thiết bị này có tên là “máy đo độ say”, được Phó giáo sư Rolla Neil Harger của Đại học Y Indiana phát triển. Máy đo độ say thu trực tiếp mẫu hơi thở của lái xe vào một quả bóng nằm bên trong máy. Mẫu hơi thở sau đó sẽ được bơm qua dung dịch thuốc tím axit hóa. Nếu có cồn trong hơi thở, dung dịch sẽ chuyển màu. Màu càng đậm chứng tỏ nồng độ cồn càng cao.
 |
Phó giáo sư Rolla Neil Harger giới thiệu “Máy đo độ say”. Ảnh: IUPUI Library
|
Dù vậy, mẫu “máy đo độ say” này vẫn cồng kềnh, khó sử dụng rộng rãi và thương mại hóa. Phải tới năm 1958, Robert Frank Borkenstein, một cảnh sát ở bang Indiana, Mỹ mới đăng ký thương hiệu máy đo nồng độ hơi thở Breathalyzer dùng hóa chất oxy hóa và phép đo quang học để xác định nồng độ cồn. Máy Breathalyzer ra đời đã giúp những người thực thi pháp luật ở Mỹ có thiết bị kiểm tra nhanh mang bên mình để kiểm tra nồng độ cồn.
 |
Robert Frank Borkenstein với nguyên mẫu máy đo nồng độ cồn. Ảnh: Đại học Indiana
|
Các thế hệ máy đo nồng độ cồn sau đó chuyển dần sang sử dụng phổ hồng ngoại. Năm 1967, tại nước Anh, Bill Ducie và Tom Parry Jones đã phát triển và đưa ra thị trường máy đo nồng độ cồn hơi thở điện tử đầu tiên. Họ thành lập Phòng thí nghiệm Lion ở Cardiff. Cũng trong năm này, Luật An toàn đường bộ của Anh lần đầu tiên quy định mức nồng độ cồn tối đa cho người điều khiển phương tiện giao thông và máy kiểm tra nồng độ cồn trở thành công cụ giúp cảnh sát Anh dễ dàng hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Tuy vậy, phải tới năm 1979, khi phiên bản máy đo nồng độ cồn Alcolyser của Phòng thí nghiệm Lion ra đời (được tích hợp ống tinh thể thay đổi màu ở ngưỡng nồng độ cồn nhất định), thì loại máy này mới được cảnh sát Anh chính thức sử dụng trên toàn quốc. Một năm sau, Phòng thí nghiệm Lion giành giải thưởng của Nữ hoàng Anh về thành tựu công nghệ cho sản phẩm của mình. Ngay sau đó, họ bắt đầu tiếp thị sản phẩm máy đo nồng độ cồn Alcolyser ra toàn thế giới. Các thế hệ sau của máy đo nồng độ cồn đã có nhiều cải tiến, gọn nhẹ, nhanh hơn và chính xác hơn. Đặc biệt, máy đo nồng độ cồn qua hơi thở ngày càng rẻ hơn khi ngày càng nhiều quốc gia áp dụng việc kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
 |
Một phụ nữ giúp thử nghiệm “Máy đo độ say” qua hơi thở trước Hội đồng An toàn giao thông New York ngày 28-3-1950. Ảnh: AP. |
Đọc tới đây, các bợm nhậu vẫn lăn tăn, khó hiểu người Mỹ hay người Anh đã phát minh ra máy đo nồng độ cồn qua hơi thở, nhất là các loại máy gọn nhẹ mà cảnh sát trên khắp thế giới đang sử dụng. Một người cất tiếng:
- Ai phát minh ra thì kệ họ đi. Vấn đề là tại người phát minh ra ô tô, xe máy. Không có ô tô, xe máy thì làm sao phải phát minh ra máy đo nồng độ cồn. Việc đã uống rượu bia thì không lái xe mình cũng đã quen rồi nên từ giờ khỏi bàn. Cứ thế mà làm. Nào cùng nâng cốc kẻo nguội, nhanh còn về đón Giao thừa.
NAM LONG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.