Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố các ngày từ 10 đến 12-9 năm nay là Ngày tưởng nhớ nhân kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố kinh hoàng 11-9-2001. Ngày này được cả thế giới nhớ đến, bởi lúc đó họ đã vô cùng sững sốt khi chứng kiến thảm kịch xảy ra tại thành phố New York. Cuộc sống của những người sống sót từ đó được chia ra thành hai thời điểm khác nhau, trước và sau sự kiện.

Hiện nay Walter Masterson làm thuyền trưởng của một chiếc du thuyền. Tuy nhiên 20 năm về trước, ông từng là một lập trình viên giỏi, làm việc tại trung tâm Manhattan, nơi được mệnh danh là biểu tượng thành đạt của New York và giấc mơ Mỹ. Tuy nhiên, trong vài tháng sau thảm kịch xảy ra, ông không thể thốt lên lời nào về chấn thương của mình, thậm chí nhiều năm sau đó ông cũng không thể nào quên được ngày 11-9 kinh hoàng đó.

leftcenterrightdel
Tòa tháp đôi tại New York bốc cháy ngùn ngụt sau khi bị máy bay đâm vào. Ảnh: AFP/Spencer Platt.

“Lúc ấy tôi nghĩ, những kẻ tấn công đang làm nổ tung tòa tháp thứ nhất, trần nhà sẽ đổ sập ngay bây giờ và cần phải làm gì đó. Vậy là tôi chui xuống gầm bàn, nhưng sau đó thì nghĩ, nếu trần nhà sập xuống thì chắc chắn chiếc bàn này cũng sẽ không cứu được”, Walter Masterson kể lại.

Trong tòa tháp thứ nhất này, ngay tầng bên dưới, tại thời điểm đó cũng có một lập trình viên khác là Igor Ratmansky đang làm việc. Hiện ông đã chuyển sang làm thanh tra viên cho tàu điện ngầm thành phố.

“Tôi đang đi dọc hành lang, liền có cảm giác như đang xảy ra động đất, lập tức nhìn ra ngoài cửa sổ tôi thấy có thứ gì đó từ trên trời lao xuống. Một đồng nghiệp của tôi hét lên: Tất cả hãy rời khỏi đây!”, Igor Ratmansky nhớ lại.

Cả Walter Masterson và Igor Ratmansky đều không thể lý giải được làm sao mà họ lại sống sót. Cả hai người cùng làm một nghề, số phận của họ giống nhau đến kinh ngạc, mặc dù trước đó họ chưa từng gặp mặt nhau. Nhưng hiện giờ họ có chung một ký ức khủng khiếp nhất về sự kiện hôm đó.

leftcenterrightdel
Mọi người tháo chạy khỏi đống đổ nát. Ảnh: Suzanne Plunkett, AP. 

“Nhiều người rơi xuống và va đập khi chạm đất. Mọi người ngồi trên bậu cửa sổ, rồi sau đó một lúc họ bắt đầu nhảy xuống. Một số thậm chí còn nắm tay nhau cùng rơi”, Walter Masterson chia sẻ thời khắc đáng sợ của thảm kịch.

Chiếc máy bay thứ hai lao vào theo đường bay nghiêng. Bên trong một cầu thang của tòa nhà mọi người chen lấn nhau để chạy xuống dưới. Trong khi đó, chiếc máy bay thứ nhất đã đâm xuyên qua tòa tháp phía Bắc và tại đó có những người đang mắc kẹt ở các tầng trên.

Hai mươi năm qua, Igor Ratmansky luôn né tránh trả lời báo chí về những gì đã xảy ra. Đến nay ông vẫn chưa thể lấy lại sức lực và cũng chưa hề quay trở lại nơi từng xảy ra thảm kịch.

“Mọi người xung quanh khóc nức nở, có một cảnh sát đi ngang qua, tôi liền hỏi: “Tòa tháp thứ hai ở đâu vậy?” Và rồi tòa nhà bắt đầu đổ sụp xuống như trong một bộ phim đáng sợ… Tôi thường tắt tivi khi trên màn hình chiếu lại những hồi ức ngày 11-9. Tôi không thể nào xem được”, Igor Ratmansky chia sẻ.

Trên hai lục địa, người ta bày tỏ sự đau xót đối với những nạn nhân của thảm kịch đến từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Tại quận Brooklyn của thành phố New York, cộng đồng người Nga đã dựng tượng đài ghi tên những người nói tiếng Nga tử nạn trong vụ khủng bố, trong đó có Alexander Lygin, lập trình viên tài năng gặp nạn khi mới 28 tuổi.

leftcenterrightdel
Bức tường tưởng niệm những người lính cứu hỏa tử nạn trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Ảnh: Marina Volosevich 

Lúc đó Alexander đang chuẩn bị cho đám cưới của mình sẽ diễn ra vào tháng 10. Nhưng ngày định mệnh ấy đã thay đổi cuộc đời của tất cả mọi người. Ngay sau khi máy bay đâm vào tòa tháp thứ nhất, Alexander đã gọi điện cho Anna và nói rằng, mọi thứ đều ổn với anh. Thế nhưng từ đó, anh đã không bao giờ trở về nhà nữa.

“Alexander lẽ ra đã không có mặt ở đó. Sáng hôm đó anh ngủ quên và trễ giờ làm. Vì thế, chúng tôi đã gom tiền lẻ để anh ấy đi taxi cho kịp đến cơ quan. Nếu như hôm đó không đi taxi, thì anh đã đi bằng tàu điện ngầm và có thể đã đến muộn hơn. Nhưng thật không may, anh ấy đã đến đúng lúc xảy ra thảm kịch”, cô Anna Klekl, vợ sắp cưới khi đó của lập trình viên Alexander Lygin, nhớ lại.

Vào lúc 9 giờ 37 phút sáng, chiếc máy bay thứ ba đâm vào cánh phía tây của Lầu Năm Góc. Trong khi đó, hành khách của chiếc máy bay thứ tư đã chống trả những kẻ khủng bố, và lúc 10 giờ 3 phút nó rơi xuống một cánh đồng ở bang Pennsylvania. Lúc ấy con gái của lập trình viên Igor Ratmansky đang theo học tại đó. Mọi tin tức về sự kiện này, ông chỉ còn nhớ được qua lời kể của những người chứng kiến.

Hơn một triệu tấn bê tông và thép đã bị đổ sập và vỡ vụn. Chất độc amiăng và chì vẫn còn lưu lại trong không khí thêm vài tuần sau đó. Số nạn nhân trong các tòa tháp bị sập là gần 3.000 người. Hai mươi năm trôi qua, đến nay người ta vẫn đang tiếp tục xác định danh tính những người đã chết trong vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001.

QUỐC KHÁNH (theo Tvzvezda)