Dân vận khéo, dân tin

Khi làm các tuyến đường phải cần đất. Ở Abyei, người dân sống theo các bộ lạc nên việc lấy đất của bộ lạc này để làm đường ở nơi khác là rất khó khăn, cần phải xin phép trước. Trung tá Nguyễn Thị Liên, sĩ quan điều phối quân dân thuộc Đội Công binh số 1 cho biết, ngoài làm các tuyến đường đất, đơn vị công binh còn giúp dân nạo vét, chống ngập nên thường phải lấy đất để đắp, be bờ...

Tuy là nữ nhưng chị Liên thường xuyên tham gia những chuyến khảo sát xa đơn vị cùng anh em Phân đội Công binh công trình cũng như của phái bộ để xử lý các tình huống liên quan tới người dân. Chị kể, có những chuyến phải đi qua quãng đường dài lầy lội, ngập sâu hàng mét, nguy cơ lật xe, sụt lún rất cao. Đi khảo sát toàn phải sử dụng xe tải để tránh bị sa lầy, có lúc chị cũng ngồi trên thùng xe, cabin cùng các đồng nghiệp nam. Đã quen với công việc vất vả, nguy hiểm này nên mỗi khi đi qua các tuyến đường chị không còn tâm trạng hồi hộp, lo lắng như trước. Theo chị, việc khó hơn chính là thuyết phục người dân để họ không cản trở công việc của Đội và cho phép lấy đất để đắp đường.

Các nữ quân nhân Đội Công binh số 1 Việt Nam. 

Đã quen với công tác dân vận khi làm nhiệm vụ ở Phái bộ Trung Phi, nhưng ở Abyei, tính chất công việc có nhiều khác biệt khiến chị Liên và đồng đội phải vận dụng linh hoạt. Vận động được người dân hợp tác, cho đất để làm đường không hề đơn giản ở Abyei. Những lúc như vậy, chị Liên lại trổ tài “dân vận khéo”, cùng ăn, cùng làm với người dân bản địa để họ thấy sự chân thành và hiểu hơn về công việc của Đội Công binh đang làm. Chị và đồng đội thường được người dân chỉ chỗ có thể lấy đất. Biết được chỗ lấy đất rồi sẽ phải dẫn đoàn khảo sát tới xác định tọa độ rà phá bom, mìn, vật nổ và kiểm tra chất đất, sau đó mang đất về thí nghiệm đóng bánh kiểm tra độ nén, độ cứng để làm vật liệu đắp đường.

Theo Đại úy QNCN Vũ Thị Hà, Tổ Tham mưu, Abyei có mùa khô và mùa mưa. Vào mùa khô, thời tiết nắng nóng, ban ngày nhiệt độ thường xuyên khoảng 40 độ C, có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt bất cứ lúc nào. Mùa mưa thì đường lầy, ngập lụt, việc di chuyển thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn. Giống như anh em, chị em cũng thường phải đảm nhận những nhiệm vụ bên ngoài căn cứ, có khi xa đơn vị vài chục ki-lô-mét. Trong điều kiện làm việc dã chiến, các chị cùng đồng nghiệp phải khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, điện, thực phẩm thường là đồ khô...

“Quan trọng là phải tạo được niềm tin, sự quý mến của người dân và gây thiện cảm với họ thì không có việc gì khó”, chị Liên nói. Có những lần chống ngập thành công, người dân vui mừng nhảy múa, hát hò ngay bên cạnh kênh mương, bày tỏ sự phấn khích và cảm ơn bộ đội Việt Nam. Abyei đang mùa khô nên thiếu nước nghiêm trọng, đơn vị công binh hằng ngày chở các téc nước đã được lọc sạch cho người dân sử dụng. Với tinh thần giúp được người dân việc gì là giúp hết mình, quan tâm giúp đỡ người dân từ những việc nhỏ nhất, vì người dân ở đây hầu như tài sản không có gì, không có nhà cửa, chỉ huy đơn vị đã chỉ đạo làm nhà giúp dân, tặng họ bất cứ thứ gì có thể.

Trung tá Nguyễn Thị Liên cho biết thêm, sau một thời gian triển khai ở địa bàn, uy tín của Đội Công binh Việt Nam đã được nhiều người dân ở Abyei biết tới. Người dân ốm đau cũng tìm tới Đội Công binh để được khám, chữa bệnh miễn phí. Trong nhiều nhiệm vụ, người dân còn giúp bảo vệ an toàn và chỉ dẫn đường cho anh em đi làm xa đơn vị.

Phát huy “sức mạnh mềm”

Từ Abyei, nữ Đại úy QNCN Vũ Hồng Thủy chia sẻ câu chuyện cảm động cho thấy sự tin tưởng của người dân dành cho Đội Công binh Việt Nam cũng như vai trò của các nữ quân nhân trong sứ mệnh GGHB. Đó là lần chị cùng các đồng nghiệp tới làm việc ở đơn vị Pakistan. Khi về, đơn vị Pakistan đề nghị chở giúp một người phụ nữ cùng con nhỏ mới sinh khoảng 4 tuần tuổi một đoạn đường. Khi lên xe, người phụ nữ nhìn mọi người với ánh mắt sợ sệt, nhưng khi được biết trên xe là các thành viên thuộc Đội Công binh Việt Nam, cùng với sự ân cần của các nữ quân nhân, người phụ nữ đã yên tâm hơn và trao đứa con nhỏ cho chị Thủy bế giúp suốt cả quãng đường. Chị Thủy cho biết, chị đã trao cho người phụ nữ chiếc khăn để ủ ấm cho em bé. Nếu khi đó không có chị và nữ đồng nghiệp trên xe, không biết người phụ nữ đáng thương ấy sẽ như thế nào. “Tuy không giúp gì được nhiều cho người phụ nữ ấy, nhưng chí ít là phụ nữ chúng tôi cũng đem lại cảm giác an tâm và ấm cúng hơn. Qua từng nhiệm vụ ở Abyei, chúng tôi càng hiểu rõ hơn vai trò của phụ nữ trong sứ mệnh GGHB LHQ”, chị Thủy chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Tâm, thành viên Phân đội Công binh công trình 2 bộc bạch: “Mỗi người một nhiệm vụ, nhưng chúng tôi tâm niệm làm tốt nhiệm vụ của mình là góp phần cải thiện điều kiện sống tốt hơn cho người dân Abyei. Mong mỏi của chúng tôi là tạo ra những con đường bằng phẳng, không lầy lội, giao thông thông suốt để người dân không phải sống trong cảnh ngập lụt khi mùa mưa đến. Trong tương lai, người dân nơi đây sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là động lực thôi thúc chúng tôi làm việc và cống hiến để giúp đỡ người dân nơi đây”.     

MỸ HẠNH