Đinh Chương Long (1912 - 1945) người làng Y Bích, tổng Xuân Trường, nay là Xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là con trai cả của Cụ Đinh Chương Dương - nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, người từng gặp Hồ Chí Minh năm 1943 tại Liễu Châu, Trung Quốc và Bác Hồ đã tặng cụ bài thơ “Tặng cụ Đinh Chương Dương”, cụ trực tiếp đưa cả gia đình cùng tham gia cách mạng, xây dựng cơ sở cách mạng rộng lớn khắp vùng Thanh Hóa.

Người con trai thứ 2 của cụ là Đinh Chương Phượng, Bí thư chi bộ Y Bích - Lộc Tiên thành lập ngày 6-1-1935, đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, con trai thứ 3 là Đinh Chương Lân - Bí thư huyện Hậu Lộc (1942).

Cụ Đinh Chương Long. Ảnh do gia đình cung cấp 

Theo sách Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội: “Mùa Xuân năm 1923, Lê Hồng Sơn mang thư của Cụ Phan Bội Châu - với danh nghĩa là phái viên đặc biệt của cụ, về Hà Nội, đến gặp cụ Lương Văn Can, Đinh Chương Dương. Sứ mạng công cán của Lê Hồng Sơn là gặp các nhà cách mạng ở trong nước để thông báo tình hình về tổ chức cách mạng vừa mới lập (tức nhóm Tâm Tâm xã) ở Quảng Châu và xây dựng cơ sở trong nước”[1], đề nghị giúp đỡ cùng hoạt động. Sau khi xem thư của cụ Phan Bội Châu, Đinh Chương Dương đã đồng ý cùng hoạt động. Giữa năm 1924, Đinh Chương Dương đã tổ chức đợt xuất dương đầu tiên, gồm những thanh niên ưu tú như: Lê Hữu Lập, Nguyễn Danh Đới, Đinh Chương Long...

Cũng theo hồi ký của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng là cán bộ được Bác Hồ giao nhiệm vụ hoạt động trong quân đội Quốc dân đảng Trung Hoa, sau này về nước hoạt động: “Đinh Chương Dương theo chỉ thị của Phan Bội Châu trở về Việt Nam cùng với Lê Duy Điếm và một số đồng chí khác làm nhiệm vụ dẫn đường cho các chuyến đi Đông Du tiếp sau, bị Chính phủ Nhật phản bội, phong trào Đông Du tan rã, Đinh Chương Dương lại đảm đương nhiệm vụ đưa đón thanh niên ta từ trong nước sang Quảng Châu, Trung Quốc tìm đến Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”[2], chuyến xuất dương năm 1924 Cụ Đinh Chương Dương đã đưa con trai cả của mình là Đinh Chương Long qua Quảng Châu, Trung Quốc sau đó đưa sang Đông Bắc Thái Lan của kiều bào Việt Nam ở tại trại cày của cụ tú Đặng Thúc Hứa.

Năm 1926, đồng chí Lý Thụy cử đồng chí Hồ Tùng Mậu trở lại Thái Lan chọn một số thiếu niên con em gia đình yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên cộng sản đoàn. Đến Thái Lan đồng chí Hồ Tùng Mậu đã liên lạc được với cụ tú Đặng Thúc Hứa - một sĩ phu chủ chốt trong "Quang Phục Hội” truyền đạt ý kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Việc lựa chọn nhóm thiếu niên diễn ra rất là thận trọng bởi phải đáp ứng được nhiều yếu tố. Đặng Thúc Hứa đã tuyển chọn được 8 thiếu niên, trong đó có Đinh Chương Long.

Đến Quảng Châu, Đinh Chương Long cùng với nhóm thiếu niên ấy đã rất sung sướng được gặp ngay đồng chí Lý Thụy. Để bảo đảm bí mật cho hoạt động nên cả nhóm đều lấy họ Lý và bí danh riêng, Đinh Chương Long có bí danh là Lý Văn Minh. Tại đây, đồng chí Lý Thụy cùng một số đồng chí khác tổ chức ngay một lớp học chính trị ngắn ngày trong ngôi nhà số 13A phố Văn Minh. Đinh Chương Long đã được nghe những lời dạy dỗ tâm huyết của một người thầy vĩ đại, được nghe người thầy kể về những tấm gương các anh hùng dân tộc, được thầy cho đi tham quan cảnh đẹp, thăm mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái và cả sinh hoạt văn nghệ. Trong khoảng thời gian chờ đợi sang Liên Xô học tập, Đinh Chương Long cùng với nhóm thiếu niên ấy được vào học tại trường Trung học Trung Sơn ở Quảng Châu.

Giữa năm 1926, đồng chí Lý Thụy có sáng kiến gửi một số thiếu niên người An Nam sang Liên Xô học tập. Ngày 22-7-1926, đồng chí Lý Thụy gửi một bức thư cho Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin trong thư có đoạn:

“Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu nhi An Nam. Các em đều từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức, và ở đó mọi việc giáo dục đều bị cấm… Khi chúng tôi nói với các em về cách mạng Nga, về Lênin và về các bạn, - những chiến sĩ Lêninnít Nga nhỏ tuổi - thì các em rất sung sướng và đòi sang với các bạn, để thăm các bạn, ở với các bạn, học tập với các bạn, và để trở thành như các bạn - những chiến sĩ Lêninnít chân chính nhỏ tuổi… Chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ không từ chối tiếp nhận 3 hay 4 bạn nhỏ An Nam của các bạn, có phải không”[3]. Trong số các em nhỏ An Nam đó có đồng chí Lý Tự Trọng, Đinh Chương Long… Đề nghị trên đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin đáp ứng một cách nồng nhiệt, tuy nhiên do tình hình chính trị ở Quảng Châu xấu nên chủ trương gửi các cháu thiếu niên nói trên đi đào tạo ở Moscow không thực hiện được ngay.

Ngày 15-4-1927, sau khi Tôn Trung Sơn mất, phái hữu (phản động) trong Quốc dân đảng Trung Quốc phá vỡ sự hợp tác Quốc - Cộng, làm đảo chính ở Quảng Châu. Theo lời kêu gọi của Ban Chấp hành Tỉnh ủy Đảng cộng sản Trung Quốc tỉnh Quảng Đông và chủ trương của tổng bộ Hội cách mạng Thanh niên, Đinh Chương Long cùng với 7 học sinh Việt Nam tại Trường Trung học Trung Sơn cùng với hầu hết học viên Việt Nam trường Võ bị Hoàng Phố đã sát cánh với các chiến sĩ cộng sản Trung Quốc cùng đội ngũ công nhân và quần chúng cách mạng chiến đấu quyết liệt với quân đội của bọn phản cách mạng. Đinh Chương Long cũng sớm hòa mình vào phong trào đấu tranh cùng các đội tuyên truyền, liên lạc, tiếp vận... phục vụ quân khởi nghĩa. Đây là một khó khăn rất lớn đối với Đinh Chương Long nhưng anh đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao.

Cuộc khởi nghĩa Quảng Châu đã sớm bị dìm trong biển máu do lực lượng vũ trang quá chênh lệch. Đinh Chương Long cùng một số học sinh Trường Trung học Trung Sơn bị bắt giam và bị tra tấn hết sức đã man nhưng không ai chịu khai báo nửa lời. Các anh, các chị còn khảng khái hỏi bọn chúng: “Chúng tôi chỉ là học sinh, các ông bắt chúng tôi về tội gì?”[4]. Được sự ủng hộ và đấu tranh mạnh mẽ của tinh thần quốc tế và các luật sư nổi tiếng mà cuối cùng bọn chúng phải trả tự do cho các anh chị.

Qua thử thách trong thực tiễn, Đinh Chương Long và các bạn trong nhóm 8 thiếu niên Việt Nam đều được kết nạp vào Đoàn. Do điều kiện và hoàn cảnh công tác mới, Đinh Chương Long và nhóm 8 thiếu niên ấy đã được chia ra học tập và công tác ở nhiều nơi. Riêng Đinh Chương Long đã tiếp tục trở lại Thái Lan và năm 1930, anh đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản. Sau đó, anh bắt mối được với những người cộng sản Thái Lan và tham gia vào Trung ương Đảng cộng sản Thái Lan. Chính quyền Thái Lan đã bắt giam anh 10 năm tù ở nhà tù Băng Cốc. Mãn hạn tù, anh bị thực dân Pháp cấu kết với chính quyền Thái Lan đã dẫn lưu anh về Việt Nam, trên đường đi anh đã trốn thoát và tiếp tục hoạt động[5]. Năm 1938, Đinh Chương Long được Bác Hồ đưa sang Liên Xô học tập và đào tạo. (Trước đây, trong một số tài liệu thì cho rằng Đinh Chương Long đã hy sinh tại Thái Lan năm 1944 nhưng cho đến nay, nhóm nghiên cứu của tác giả Mai Thị Thương đã xác định được Đinh Chương Long là một trong 7 chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã tham gia bảo vệ thành Moscow ngày 7-11-1941 và hy sinh tại Liên Xô).

Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, nhóm người Việt nam trong đó có Đinh Chương Long đã quyết định gia nhập Hồng quân Liên Xô chiến đấu anh dũng chống lại phát xít Đức và hầu hết đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ thủ đô Moscow. Theo ông Aleksei Syunnenberg, phóng viên đặc biệt của Đài tiếng nói nước Nga, ngay sau khi chiến tranh bùng nổ 4 ngày, Lữ đoàn Motor Cơ động Đặc nhiệm (OMSBON) được thành lập. Một trong những trung đoàn trực thuộc là đơn vị quốc tế. Ông Ivan Vinarov, chính ủy của trung đoàn này, viết trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1971 cho biết trong đội ngũ của ông có 6 người Việt Nam. Ngày 7-11-1941, cả trung đoàn đã tham gia vào cuộc diễu binh lịch sử của quân đội Liên Xô trên Quảng trường Đỏ ở Moscow, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Mười, và từ đó tiến thẳng ra mặt trận nghênh chiến phát xít Đức.

Thông tin về họ ban đầu rất ít ỏi. Mãi đến năm 1985, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng phát xít, Đài Tiếng nói nước Nga mới công bố danh tính các chiến sĩ Hồng quân Việt Nam từng tham gia cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ. Những chiến sĩ Việt Nam ấy chính là nhóm thanh niên ưu tú do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi sang Liên Xô từ Quảng Đông vào cuối những năm 1930. Trong số 6 người tham gia OMSBON, Aleksei xác định được danh tính của 4 người gồm: Vương Thúc Tình, Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đều quê Nghệ An. 3 chiến sĩ Hồng Quân Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất đều hy sinh trong trận đánh chống phát xít tại cửa ngõ thủ đô Moscow. Năm 1986, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô đã truy tặng Huân chương, Huy chương cao quý đối với các chiến sĩ này.

Năm 2010, ông Aleksei sang Việt Nam mang theo nhiều tài liệu làm cơ sở để xác định danh tính hai chiến sĩ còn lại từng đứng trong hàng ngũ Hồng quân. Đến tháng 12-2014, nhờ vào thông tin phản hồi từ nhiều phía, ông Aleksei chính thức công bố thêm tên tuổi hai chiến sĩ Hồng quân người Việt còn lại là Lý Văn Minh (tức Đinh Chương Long) và Lý Chí Thống. Sau khi ba người đồng đội hy sinh, họ tiếp tục cầm súng chiến đấu chống phát xít.

Ông Đinh Chương Long - một trong 7 chiến sĩ Việt Nam chiến đấu trong lực lượng Hồng quân Liên Xô; cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ ngày 7-11-1941. Ảnh tư liệu 

Theo tác giả Hoàng Đức Lạc đăng trên Báo Nghệ An (Baonghean.vn) ngày 25-6-2020, Trong các cuộc Hội thảo khoa học: “Những học trò của Bác Hồ đã sống, chiến đấu, học tập ở Liên Xô trước năm 1945, ngày 19-5-1988; “Đi tìm những chiến sĩ quốc tế Việt Nam tham gia chống phát xít Đức bảo vệ Moscow năm 1941”, ngày 9-5-1989 và “Vương Thúc Tình là ai? có phải Vương Sĩ hay Vương Thúc Liễn?”, ngày 7-11-1989, được Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, Hội Hữu nghị Việt - Xô Nghệ Tĩnh tổ chức đã nêu ra 2 cái tên mới: Đó là Lý Văn Minh và Lý Chí Thống. Đây là 2 người cùng trong nhóm 8 thanh, thiếu niên do Bác Hồ tổ chức, giáo dục để chuẩn bị gửi sang Liên Xô theo Thư gửi của Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng Liên Xô tháng 7-1926.

Tên tuổi 8 người này được cụ Vương Thúc Oánh - Lão thành cách mạng xác nhận và cung cấp tư liệu cho Ban Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An khi cụ còn sống (Cụ Oánh mất năm 1962) gồm:

Lý Chí Thống lấy tên Hồng Sơn, tên thật là Ngô Trí Thông, quê xã Đại Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Lý Phương Đức, chị gái của Lý Chí Thống; tên thật là Ngô Hậu Đức.

Lý Văn Minh, tên thật là Đinh Chương Long, quê ở làng Y Bích, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Lý Thúc Chất, tên thật là Vương Thúc Thoại, quê xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

Lý Nam Thanh tên thật là Nguyễn Sinh Thản, quê Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

Lý Anh Tạo, tên thật là Hoàng Thế Tự, quê Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

Lý Phương Thuận, tên thật là Nguyễn Thị Tích, quê Hưng Nguyên Nghệ An.

Lý Tự Trọng, tên thật là Lê Hữu Trọng, quê Thạch Minh, Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Tên tuổi 8 người này đúng như tư liệu của nhà sử học Nga A. Côbêlev viết trong tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh” xuất bản năm 1980 tại Nga.

Đến nay, nhờ những nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga, tùy viên quân sự Nga tại Việt Nam các cơ quan chức năng và bạn bè Nga, đã xác định được tên, tuổi 7 người con đất Việt này.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chụp ảnh chung với các đại biểu bên Đài tưởng niệm các chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam tại Nga, năm 2024. Ảnh: mod.gov.vn

Vào năm 2020, 7 chiến sĩ Việt Nam đã được trang trọng đưa vào cơ sở dữ liệu của Tổ hợp bảo tàng “Con đường tưởng niệm” tại Moscow.  

Theo ông Đinh Trọng Thành và bà Đinh Tích Linh, là cháu gọi ông Đinh Chương Long là bác ruột, trường hợp của ông Đinh Chương Long, nhiều năm nay, đại diện gia đình đã đi đến nhiều nơi liên quan đến vấn đề người có công từ Trung ương đến địa phương để đề nghị công nhận liệt sĩ, nhưng hiện nay gia đình vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể về trường hợp của ông Đinh Chương Long.

ĐỨC DƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan. 


[1] Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, NxbThông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr.68

[2] Lê Thiết Hùng, Tôi được làm học trò nhỏ của Bác, NXB QĐND, hà Nội, 2002, tr. 187, 188.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội 1995, tr. 225

[4] Mai Thị Thương (2010), Tìm hiểu về những hoạt động yêu nước của gia đình Đinh Chương Dương, luận văn Thạc sĩ khoa học lịch sử, Trường Đại học Vinh, Nghệ An.

[5] Mai Thị Thương (2010), Tìm hiểu về những hoạt động yêu nước của gia đình Đinh Chương Dương, luận văn Thạc sĩ khoa học lịch sử, Trường Đại học Vinh, Nghệ An.