Khu vực Abyei, vùng đất nằm giữa Sudan và Nam Sudan, có điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô mang đến nền nhiệt cao luôn ở mức gần 40 độ C, nắng cháy rát, độ ẩm thấp, trong khi đất đai lại cằn cỗi, bạc màu, điều kiện canh tác khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua mọi thử thách, những người lính công binh Việt Nam đã biến điều không thể thành có thể, tạo nên những vườn rau xanh tốt ngay giữa lòng chảo khô cằn của châu Phi, cung cấp nguồn rau xanh hằng ngày cho bộ đội.

 Khu vườn tăng gia tập trung của Đội Công binh số 3.

Ngay khi đặt chân đến Abyei làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, Đội Công binh Việt Nam đã xác định việc tăng gia sản xuất không chỉ giúp cải thiện bữa ăn mà còn nâng cao đời sống tinh thần, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội. Nguồn thực phẩm do Liên hợp quốc cung cấp rất hạn chế rau xanh, chỉ gồm một số loại như khoai tây, cà chua, hành tây, cải bắp, cải thảo, nên tự chủ về nguồn rau xanh là yêu cầu bắt buộc. 

 Các phân đội được khoán chỉ tiêu sản phẩm tăng gia.

Các cán bộ, nhân viên mang theo hạt giống từ Việt Nam, trong đó chú trọng lựa chọn những giống cây có khả năng chịu hạn tốt như rau muống, mồng tơi, cải xanh, cà chua, bí đỏ, bí xanh, mướp… Đồng thời chủ động quy hoạch lại khu tăng gia tập trung rộng hơn 250 mét vuông, khai thác nguồn nước thải đã qua xử lý để tươi tiêu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm cải thiện năng suất cây trồng. Nước thải sinh hoạt vốn đã qua hệ thống máy và hoá chất xử lý nên sẽ làm tăng độ chua của đất, do không có vôi để khử nên khi xử lý là không hề đơn giản.

Nhằm bảo đảm tăng gia hiệu quả, đơn vị khoán chỉ tiêu sản phẩm cho từng phân đội để đưa vào đánh giá thi đua hằng tháng. Các sản phẩm thu được sẽ được nhập tập trung đưa vào bếp ăn thường xuyên của đơn vị và cho các phân đội đi công tác lẻ mang theo.

 Áp dụng mô hình luân canh, xen canh nhằm tối ưu hóa diện tích đất trồng.

Ngoài tăng gia tập trung ở doanh trại, các bộ phận công tác xa đơn vị, dài ngày như hiện nay ở doanh trại Ghana cũng chủ động canh tác tại diện tích nhỏ quanh lán trại để chủ động nguồn rau xanh. Các bộ phận này đang thi công doanh trại thông minh cho đơn vị Ghana cách căn cứ Highway, nơi đóng quân của Đội Công binh số 3 khoảng 35km. 

Để chống chọi với cái nắng gay gắt, khu tăng gia tập trung được dựng mái che nhằm bảo vệ cây trồng khỏi ánh nắng trực tiếp. Đất khô cằn được cải tạo bằng cách gom nhặt cỏ cây chặt nhỏ và ngâm ủ, tận dụng rác thải hữu cơ từ bếp ăn làm phân xanh, thu gom phân gia súc tại địa bàn để tăng độ màu mỡ. Bên cạnh đó, thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chiến sĩ công binh đã tự chế thuốc trừ sâu từ các nguyên liệu tự nhiên, vỏ cam, ớt, hành, tỏi được giã nhuyễn và pha loãng để xua đuổi côn trùng, vừa giúp bảo vệ cây trồng, vừa bảo đảm thân thiện với môi trường. 

Khu tăng gia tập trung được dựng mái che nhằm bảo vệ cây trồng khỏi ánh nắng trực tiếp.
 Khu tăng gia tập trung được dựng mái che nhằm bảo vệ cây trồng khỏi ánh nắng trực tiếp.

Là một trong những thành viên được giao trực tiếp chăm sóc vườn tăng gia, Đại úy QNCN Trần Ngọc Sơn chia sẻ: Ở đây đất chủ yếu là sét bùn nghèo chất dinh dưỡng, khi mưa thì bó gốc, khi khô thì rắn mặt nên cây trồng chậm phát triển. Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đã làm hệ thống mái che để giảm thiểu tối đa những tác hại trực tiếp của mưa, nắng, đồng thời gom cỏ cây thân mềm chặt nhỏ ra để ngâm ủ và trộn lẫn với đất để tạo độ xốp và tăng chất dinh dưỡng. Với đặc thù mùa khô các loại cỏ cây bị chết vàng úa nên các loại côn trùng có hại như ruồi vàng, bọ xít, bọ cánh cứng… không có nơi trú ngụ nên thường tập trung vào phá hoại các loại cây ăn quả ngay khi mới thụ phấn. Để bảo vệ vườn rau, ngoài việc phun thuốc, chúng tôi đã phải căng thêm lưới che chắn, sử dụng túi nilon để bao bọc.

 Làm đất chuẩn bị trồng những luống rau mới.
Gom cỏ cây thân mềm chặt nhỏ ra để ngâm ủ và trộn lẫn với đất để tạo độ xốp và tăng chất dinh dưỡng.

Nhằm tiết kiệm nước tưới, bộ đội công binh đã áp dụng mô hình luân canh, xen canh nhằm tối ưu hóa diện tích đất trồng. Những loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn được trồng đan xen với cây dài ngày, giúp tăng sản lượng và bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh. Điển hình như các loại cải xanh, mồng tơi, rau muống, bầu canh, mướp, bí xanh và một số loại đậu được lựa chọn vì khả năng chịu hạn tốt, dưới những tán cây dài ngày là các loại rau gia vị như thìa là, mùi tàu, rau mùi, rau húng... Trong số các loại rau mang từ Việt Nam, cải bẹ Đông Dư là giống phát triển rất tốt, đơn vị ăn không hết, nên phải ủ muối dưa ăn dần.

Toàn bộ lượng rau xanh sau khi thu hoạch được đã giúp cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn, giảm bớt sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, việc tăng gia sản xuất còn rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần lao động và đoàn kết trong đơn vị, giúp các chiến sĩ có thêm nghị lực để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi phân đội giao cho một người chuyên chăm sóc vườn tăng gia, ngoài ra khi cần sẽ huy động thêm nhân lực vào các giờ nghỉ và ngày nghỉ.

Nhờ sự kiên trì và sáng tạo, công tác tăng gia tại căn cứ Highway đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, dần trở thành một mô hình đáng học hỏi với địa phương và đơn vị bạn, đặc biệt là đã tạo một không gian xanh mát giữa khung cảnh khô cằn của vùng Abyei khắc nghiệt.

Câu chuyện về những người lính công binh nơi vùng đất khắc nghiệt này chính là minh chứng sống động cho tinh thần bền bỉ, sáng tạo, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua của bộ đội Việt Nam. Không chỉ hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình, họ còn mang đến màu xanh và sức sống mới cho mảnh đất tưởng chừng như không thể trồng trọt, góp phần lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ – dù ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn luôn vững vàng và toả sáng. 

Bài và ảnh: LÊ GIANG (từ Abyei)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.