Hội nghị ADMM+ lần thứ 10 có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ.

Hội nghị lần này dù còn không ít ý kiến khác biệt, nhưng các thành viên của ADMM+ vẫn gặp nhau ở điểm cốt lõi của cơ chế này. Đó là kiến tạo lòng tin, hợp tác, đối thoại để tránh đối đầu.

leftcenterrightdel

Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 10. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Prabowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nêu rõ, với tinh thần mở và dung nạp, ASEAN hy vọng sẽ cùng các đối tác phối hợp cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh đang nổi lên. Cơ chế Hội nghị ADMM+ chính là nền tảng để tăng cường hợp tác vì một môi trường hòa bình và an ninh tại khu vực.

Tại hội nghị, sau khi nghe Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cập nhật tình hình hợp tác của ASEAN trong thời gian qua, đại diện các nước đã trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh quốc tế và khu vực. Nhiều nước đã nêu ý kiến về cuộc xung đột tại Ukraine, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, tình hình Myanmar, tình hình Bán đảo Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh giá trị thiêng liêng của hòa bình, ổn định.

leftcenterrightdel
Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 10. 

Liên quan đến tình hình an ninh khu vực, các Bộ trưởng Quốc phòng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tiến trình Bali, cũng như việc tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong khu vực. Các nước đối tác đều khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác tại khu vực. Các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh biển, trong đó có Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, đối với an ninh khu vực và toàn cầu.

Nhiều nước nhấn mạnh việc các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). An ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phải được bảo đảm. Các nước, trong đó có Trung Quốc, bày tỏ mong muốn sớm hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại cởi mở, thực chất để ADMM+ luôn là cầu nối, là điểm đến cho các bên.

leftcenterrightdel

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 10. 

Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn gắn kết chặt chẽ hơn giữa ADMM+ với các khuôn khổ hợp tác khác trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sớm đạt được một COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, Bộ Quốc phòng Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các sáng kiến, cơ chế hợp tác trong ADMM+ và các cơ chế trong khuôn khổ quốc phòng, quân sự; cùng tạo dựng một cấu trúc an ninh mang tính xây dựng, toàn diện, hiệu quả.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị. 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã trân trọng mời các vị lãnh đạo quốc phòng, quân đội và các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng các nước ASEAN và các nước đối tác đến thăm và tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ hai, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam vào tháng 12-2024.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe thông báo về các nước đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ chu kỳ 2024-2027. Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố chung chuyên đề của các Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto (trái) bàn giao chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ cho Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath. 

* Trưa 16-11, Lễ bàn giao chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ đã được tổ chức trang trọng tại Jakarta, Indonesia. Bộ Quốc phòng Lào đã chính thức trở thành Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Chủ tịch Hội nghị ADMM+ trong năm 2024.

Tin, ảnh: THU TRANG (từ Jakarta, Indonesia)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.