Trái với mọi lo âu trước giờ khai mạc, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nước phát triển và có nền kinh tế mới nổi (G-20) tại Luân Đôn, Anh, đã kết thúc với những kết quả khả quan. Những quyết định được đưa ra tại hội nghị này được coi là những thỏa hiệp lịch sử, có thể sẽ tạo bước ngoặt quan trọng của cuộc giải cứu nền kinh tế toàn cầu đang trong cơn suy thoái.

 

Là một nhóm bao gồm 20 nền kinh tế lớn: Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Ca-na-đa, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, I-ta-li-a, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Nga, A-rập Xê-út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nên các quyết sách của G-20 có tác động rất lớn tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Dù đặt nhiều hy vọng, song trước hội nghị không ít người đã tính đến khả năng đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh G-20 do những quan điểm trái chiều giữa các thành viên về hướng “bốc thuốc” cho “cơn trọng bệnh” của nền kinh tế thế giới.

Mỹ, trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính, muốn đối phó với cuộc khủng hoảng bằng cách tung ra các gói cứu trợ khổng lồ. Các biện pháp mang dáng dấp của chủ nghĩa bảo hộ như “Người Mỹ mua hàng Mỹ” cũng được Oa-sinh-tơn triển khai. Sau khi chi gần 2.000 tỉ USD tiền thuế của người dân để kích thích nền kinh tế và cứu các ngân hàng, các công ty tư nhân khỏi phá sản, Mỹ còn muốn cả thế giới đổ tiền làm theo cách này.

Tuy nhiên, đa số các thành viên khác của G-20 lại muốn cải tổ triệt để hệ thống tài chính thế giới để giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng vốn xuất phát từ việc đổ vỡ tín dụng do cho vay dưới chuẩn ở Mỹ. Thủ tướng Đức Mơ-ken tuyên bố: “Khủng hoảng xảy ra không phải do chúng ta chi ít tiền, mà vì chúng ta tạo ra tăng trưởng kinh tế với quá nhiềutiền và sự tăng trưởng này không bền vững. Giải pháp để vượt qua khủng hoảng là không để lặp lại những sai lầm cũ”. Bất đồng giữa Mỹ và các thành viên còn lại của G-20, đặc biệt là châu Âu, lên tới cao trào ngay khi Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di tuyên bố không chấp nhận một “hệ thống tài chính tư bản vô nguyên tắc và vô đạo đức” và ông suýt tẩy chay Hội nghị.

Mặc dù vậy, khi tất cả cùng ngồi trên một con thuyền đang tròng trành, muốn tránh bị đắm thì mọi bất đồng phải được hàn gắn. Dù có là nền kinh tế lớn số một thế giới đi chăng nữa thì Mỹ cũng không thể tự mình xoay xở nên phải chấp nhận đi tới thỏa hiệp. Song hành với việc lập tức giải quyết cuộc khủng hoảng ở nơi mà nó bắt đầu - hệ thống ngân hàng, tiền sẽ được đổ thêm vào cuộc giải cứu kinh tế.

G-20 đã nhất trí đóng góp thêm để tăng quỹ mới cứu trợ các nền kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) lên một nghìn tỉ USD. Trong đó, thêm 500 tỉ USD cho IMF cộng với 250 tỉ USD trong Quyền rút vốn đặc biệt của IMF và 250 tỉ USD để thúc đẩy buôn bán trong một quỹ mới của WB. Song, IMF và WB sẽ được cải tổ cho phù hợp với những thay đổi trong cấu trúc của nền kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo G-20 đồng thuận áp dụng những biện pháp điều tiết và giám sát thị trường tài chính nghiêm ngặt hơn đối với các quỹ đầu cơ, cũng như công bố “danh sách đen” những nơi được coi là “thiên đường trốn thuế”.

Những bức xúc của những nền kinh tế đang phát triển mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin cũng đã được xoa dịu khi thông cáo chung của Hội nghị nêu rõ, các nước đang phát triển, vốn chịu ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng kinh tế, sẽ có tiếng nói quan trọng hơn trong các vấn đề kinh tế quốc tế.

Ngăn chặn cuộc suy thoái toàn cầu nhất thiết phải có hành động chung toàn cầu. Chính vì vậy, không hề lạ khi lãnh đạo các quốc gia đồng loạt lên tiếng đánh giá cao kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G-20. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma khẳng định, đây là một hội nghị có “một loạt những hành động toàn diện và phối hợp chưa từng có”. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho rằng, những quyết định được thông qua tại hội nghị lần này rất cụ thể, đúng đắn và sẽ phát huy tác dụng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu hiện nay. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di nói rằng, những kết quả đạt được “lớn hơn rất nhiều so với những gì được trông đợi trước hội nghị”. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun bày tỏ sự hài lòng về thỏa thuận cứu trợ tài chính đạt được trong hội nghị. Ông hoan nghênh cam kết của các nhà lãnh đạo G-20 chống chủ nghĩa bảo hộ và sẽ giám sát việc thực hiện cam kết đó.

Thị trường chứng khoán khắp thế giới đồng loạt tăng điểm mạnh ngay sau khi lãnh đạo G-20 ra thông cáo chung, chứng tỏ kết quả của Hội nghị thực sự có tác động tích cực. Tuy nhiên, các thỏa thuận chỉ là bước đi đầu tiên. Những lời cam kết phải được chuyển ngay thành hành động thì mới có thể mong kinh tế thế giới sớm thoát khỏi cơn nguy khốn.

BẢO TRUNG