Dân ta vẫn tấm tắc khen các loại gạo nổi tiếng như: Tám xoan Hải Hậu, Tám Điện Biên, Nàng thơm chợ Đào... với hạt gạo trắng cho cơm dẻo, đậm và thơm, làm siêu lòng thực khách. Đáng tiếc là hầu hết các loại gạo này chỉ có tiếng trong dân gian, chứ chưa hình thành thương hiệu trên thị trường, thậm chí phải ngậm ngùi khoác lên mình nhãn mác của người khác khi ra quốc tế. Trả lại tên cho các loại gạo nổi tiếng của Việt Nam là một yêu cầu bức thiết. Yêu cầu này đã được đáp ứng qua một dự án tạo thương hiệu cho gạo xuất xứ từ Việt Nam.

Cơm thơm giữa núi rừng Tây Bắc

Lên Điện Biên mà chưa thưởng thức mật ong rừng, uống rượu sâu chít, ăn cá nướng, món lạp của dân tộc Thái và nhất là gạo Tám thơm, nếp nương thì coi như chưa lên Điện Biên vậy…”. Lời dẫn dụ ấy khiến chúng tôi háo hức muốn được thưởng thức bát cơm gạo Tám Điện Biên có xuất xứ chính gốc từ cánh đồng Mường Thanh.

Quả thật bát cơm gạo Tám thơm với hạt gạo dài mơ mộng, dẻo và đậm đà như tấm lòng người Tây Bắc khiến thực khách đường xa chúng tôi thêm phấn chấn. Trong cái ngà say của vài ly rượu chít, ăn cơm thơm Điện Biên thì bao nhiêu nhọc nhằn, âu lo, phiền muộn dường như tan biến. Dân gian vẫn xếp gạo Tám Điện Biên, nếp nương Điện Biên nằm trong “top” gạo hàng đầu của Việt Nam. Điều đáng tiếc là sản vật loại đầu bảng của núi rừng Tây Bắc này vẫn chỉ chủ yếu đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Nó chưa hề có thương hiệu chính thức đối với cả thị trường trong nước và quốc tế. Tiểu thương đã mượn danh Điện Biên để khoác lên một thứ gạo nào đó để kiếm lời.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi khẳng định: “Gạo Điện Biên có bán ở Hà Nội và một vài thành thị phía Bắc, nhưng mấy ai dám vỗ ngực khẳng định mình đã được thưởng thức gạo Điện Biên chính gốc”. Chính việc có nhiều sản phẩm nhái xuất hiện đã làm tên tuổi hạt gạo Điện Biên ít nhiều bị ảnh hưởng.

Chất lượng cuộc sống của người dân thành thị ngày càng cao, đã xa rồi mơ ước “ăn no, mặc ấm” mà tiến tới “ăn ngon, mặc đẹp”. Thói quen ăn uống của người thành thị cũng khác trước, ăn ít nhưng phải ngon. Bát cơm dẻo, thơm dần trở thành nhu cầu không thể thiếu. Những loại gạo ngon, có giá thành từ 8.000đ đến 9.000đ/kg trở lên bắt đầu có chỗ đứng.

Tuyên chiến với gạo ngoại

Điều vô lý là ở một đất nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới mà người dân tìm mua gạo của Thái Lan vì nó… ngon hơn gạo Việt. Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty Việt Đức, doanh nghiệp chuyên chế biến lương thực, thực phẩm muốn thay đổi nếp nghĩ này. Ông chưa hẳn là người đầu tiên nghĩ ra việc tạo thương hiệu cho gạo Việt Nam. Nhưng người ta cảm nhận được tương lai tươi sáng của hạt gạo chất lượng cao có xuất xứ Việt Nam qua cách làm bài bản của ông. Rất nhạy bén, ông đặt thương hiệu gạo là “Hương quê”, nhằm tác động vào tình cảm của những người con xa xứ.
Để có giống lúa gốc đặc sản gạo Tám Điện Biên không phải dễ (ảnh: Internet).

Có nhiều sản vật đặc sắc tạo nên “Hương quê”: Tám xoan Hải Hậu, Tám chợ Đào, Tám hương Lài… và nhất là Tám Điện Biên. Ông dự tính sẽ sản xuất gạo Điện Biên chất lượng cao được gieo trồng trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng độc đáo của cánh đồng Mường Thanh rộng lớn nhất vùng Tây Bắc.

Trước nay, bà con nông dân ở Điện Biên vẫn sản xuất lúa theo kiểu manh mún, mỗi thửa ruộng trồng một loại lúa khác nhau dẫn tới năng suất kém, giống lúa đặc sản của địa phương vì thế bị lai tạp ngoài ý muốn, chất lượng giảm. Đúng là có “vàng” mà chưa biết cách giữ, vô cùng lãng phí”. Ông Đức nhận xét.

Công ty Việt Đức của ông phối hợp với tỉnh Điện Biên quy hoạch cánh đồng Mường Thanh màu mỡ thành một vùng lúa nguyên liệu, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, chuyên sản xuất lúa gạo đặc sản cung cấp cho các siêu thị lớn ở Hà Nội và phục vụ xuất khẩu. “Chúng tôi sẽ kết hợp với nông dân để sản xuất ra thứ gạo thị trường cần chứ không phải thứ chúng tôi có sẵn”.

Giai đoạn 1 của dự án thực hiện trên diện tích khoảng 200 ha, triển khai ở cánh đồng Mường Thanh và Tuần Giáo. Nếu thành công diện tích trồng sẽ tiếp tục được mở rộng. Vụ vừa qua, 50 ha lúa đã được trồng thử nghiệm thu kết quả tốt, cho năng suất tăng gấp rưỡi so với phương thức cũ của bà con. Công ty đã xuất khẩu 200 tấn gạo Điện Biên sang thị trường Nga và bán hết veo.

Nhằm phục vụ kế hoạch xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, ông Đức đã có một nhà máy chế biến tại Hà Tây, nằm cạnh đường cao tốc Láng- Hoà Lạc rất thuận tiện cho việc chuyên chở, Nhà máy này có dây chuyền công nghệ hiện đại, phân loại tạp chất, lọc sạn, đánh bóng, xử lý kim loại, tách màu, đóng gói… với công nghệ hoàn toàn tự động, nhờ vậy đã khắc phục được khâu yếu nhất của nông sản Việt Nam hiện nay là công nghệ chế biến sau thu hoạch. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng Công ty Việt Đức đang nắm giữ một bí quyết vàng trong việc pha trộn để làm nổi bật các ưu điểm của gạo Điện Biên.

GS, TSKH Trần Duy Quý, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định, nếu chế biến tốt gạo Điện Biên, hay các loại gạo cao cấp của Việt Nam khác hoàn toàn có thể đánh bật gạo Thái Lan ra khỏi các khách sạn, nhà hàng và bữa cơm của người thành thị. “Cách thu và chế biến luôn là bí quyết thành công của nông sản. Người Thái Lan đang hơn chúng ta ở điểm này”.

Liên kết lợi ích chặt chẽ giữa 4 nhà

Đây là điều vô cùng quan trọng bởi nhiều dự án, mô hình mới nghe thì rất hay nhưng khi thực hiện đã gặp thất bại, bởi cả 4 “nhà”: nhà nước (ở đây là chính quyền địa phương), nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông không gặp nhau trong việc phân chia lợi ích.

Ý tưởng tạo thương hiệu gạo Điện Biên được chính quyền tỉnh Điện Biên ủng hộ mạnh mẽ. Ông Bùi Viết Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh hồ hởi cho biết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách cho dự án trên. Tỉnh đề nghị Công ty Việt Đức tiếp tục xây dựng một nhà máy chế biến ngay tại Điện Biên.

Để đảm bảo có nguồn hàng ổn định, tránh chuyện người nông dân phá hợp đồng, bán gạo ra ngoài thị trường, công ty đã ký hợp đồng với hợp tác xã, thống nhất theo hướng sẽ mua gạo của bà con theo giá thị trường. Công ty chịu trách nhiệm đầu tư giống, hỗ trợ vật tư, hướng dẫn khoa học- kỹ thuật cho nông dân. Thậm chí, ông Đức còn quyết định trả lương cho các trưởng thôn để họ có trách nhiệm hơn. Vì tất cả các bên đều có quyền lợi nên đưa vào “hương ước”, những bà con nào được đầu tư giống và phân bón sẽ bán sản phẩm cho công ty, không phá hợp đồng. Nhiều người cho rằng ông Đức làm như vậy rất sáng suốt vì: “Doanh nghiệp kiếm lợi nhuận ở những khâu khác, để làm lợi cho nông dân”. Theo tính toán, giai đoạn khảo nghiệm của dự án tạo việc làm cho khoảng 5.000 nông dân, sau đó khi mở rộng sẽ tạo việc làm cho khoảng 2 vạn lao động.

Vấn đề giống có tính sống còn, bởi lúa trồng ở Điện Biên nhiều nhưng để có giống lúa gốc đặc sản thì chẳng phải dễ. Nhiệm vụ này được giao cho Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gen quý, trong đó có giống lúa đặc sản Điện Biên. GS, TS Trần Duy Quý cam kết sẽ cung cấp giống lúa hảo hạng giữ được các đặc tính của gạo Điện Biên, lại cho năng suất cao hơn, nếu gặp “trục trặc” sẽ đền 100%.

Đây quả là một hướng đi tốt. Doanh nghiệp, nông dân thì thu lợi nhuận. Viện nghiên cứu có thể đưa các kết quả của mình vào đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội chứ không chỉ dừng ở mức “thực nghiệm”. Và hạt gạo Điện Biên cũng như hạt gạo Việt Nam có thể dựa vào đây để tạo dựng, đòi lại tên tuổi của mình.

HỒ QUANG PHƯƠNG