QĐND - Sau khi Bơ-nác Ma-đóp (Bernard Madoff), kẻ chủ mưu trong vụ lừa đảo tài chính được coi là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ phải nhận án tù…150 năm vào năm 2008, mới đây, một tòa án ở Mỹ tiếp tục đưa ra hàng loạt cáo buộc nhằm vào 5 người từng là “cộng sự” của “siêu lừa” này. Có vẻ như vụ gian lận đầu tư do B. Ma-đóp đứng đầu chưa hoàn toàn chấm dứt và vẫn đang ít nhiều để lại nỗi nhức nhối đối với nước Mỹ.

 

Theo cáo buộc mà một tòa án liên bang tại Niu Y-oóc đưa ra ngày 24-3, 5 nhân viên cấp cao của Công ty Đầu tư Chứng khoán Bernard L.Madoff đã phạm tổng cộng 33 tội danh, trong đó có tội gian lận và giả mạo hồ sơ để lừa đảo khách hàng. Những nhân vật này gồm các trưởng bộ phận lập trình máy tính Giê-rôm Âu-he-rơ (Jerome O'Hara) và Gioóc-giơ Pê-rét (George Perez), Giám đốc nội vụ Đa-ni-en Bôn-vên-trê (Daniel Bonventre), Thư ký của B. Ma-đóp là An-nét Bôn-giô-nô (Annette Bongiorno) và Hoan Cru-pi (Joann Crupi).

 

Ông A. Bôn-giô-nô, cựu Thư ký của B. Ma-đóp, rời Toà án liên bang Ma-hát-tan ngày 24-3. Ảnh: Roi-tơ

 

 

Còn nhớ vào cuối năm 2008, Công ty Đầu tư Chứng khoán Bernard L.Madoff đã sụp đổ sau khi trùm tài chính B. Ma-đóp bị bắt do không có tiền để hoàn trả cho khách hàng. Vụ việc khi đó thực sự là một cú sốc với toàn nước Mỹ và quan trọng hơn, nó đã khiến hàng trăm khách hàng của công ty Bernard L.Madoff, trong đó có cả những gia đình, cá nhân và các quỹ từ thiện nổi tiếng của Mỹ thiệt hại khoảng 17 tỷ USD và hàng chục tỷ USD lợi nhuận trên giấy tờ.

 

Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 22 tuổi với vỏn vẹn 5.000USD trong tay nhưng dần dần, trùm lừa đảo B. Ma-đóp đã “hóa mình” thành một cái tên danh tiếng ở Phố Uôn. Ngay cả Công ty Bernard L. Madoff cũng đã có thời được coi là một trong những nhà tạo lập thị trường lớn nhất thế giới. Mánh khóe lừa đảo của B. Ma-đóp có thể đã không bị phanh phui nếu như các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi suy thoái tài chính không bất ngờ đòi rút khoảng 7 tỷ USD từ các quỹ của siêu lừa này. Trong cơn bĩ cực vì không có tiền để trả cho khách hàng, B. Ma-đóp đã buộc phải cúi đầu thừa nhận rằng hệ thống do y sáng lập chỉ là dối trá.

 

Khi ấy, giới kinh doanh ở Mỹ và thế giới đã ngã ngửa người khi biết rằng, kế hoạch đầu tư mà “siêu lừa” B. Ma-đóp dựng lên thực chất chỉ là một hệ thống lừa đảo đa cấp có quy mô thuộc hàng “khủng” nhất thế giới. Hệ thống này hoạt động theo một quy trình rất đơn giản, đó là lấy tiền của nhà đầu tư sau trả lãi cho nhà đầu tư trước. B. Ma-đóp đã bị kết tội lừa đảo hàng nghìn khách hàng trong suốt hơn hai thập niên với hình thức huy động vốn "Ponzi' (Kim tự tháp). Cụ thể, thay vì dùng vốn của khách hàng để đầu tư vào các dự án thì B. Ma-đóp đã sử dụng số tiền đó để trả lãi cho những nhà đầu tư góp vốn trước và tiêu xài hoang phí cho bản thân. Khối tài sản trị giá 68 tỷ USD mà B. Ma-đóp tuyên bố trước công chúng và giới kinh doanh cũng gần như là “tài sản ảo”, bởi trên thực tế con số này chỉ là vài trăm triệu USD. 

 

Với hàng loạt tội danh, năm 2008, B. Ma-đóp đã bị tuyên phạt mức án tối đa 150 năm tù giam. Hai năm sau đó, con trai cả của B. Ma-đóp là Mắc Ma-đóp (Mark Madoff) cũng bất ngờ treo cổ tự sát tại nhà riêng ở quận Ma-hát-tan (Manhanttan) của Niu Y-óoc. Theo lời một luật sư của gia đình Ma-đóp thì mặc dù vô tội trong vụ lừa đảo của cha mình, nhưng Mắc Ma-đóp đã trải qua hai năm tồi tệ nhất trong cuộc đời khi phải đối mặt với những hậu quả mà vụ việc đã để lại.

 

Những tưởng vụ việc đã chấm dứt và đi vào quên lãng nhưng dựa vào lời khai của một số bị cáo có liên quan, các điều tra viên cho rằng B. Ma-đóp không thể một mình thực hiện kế hoạch gian lận khổng lồ mà phải có sự trợ giúp đắc lực của những kẻ đồng lõa. Theo Chưởng lý Prít Ba-ra-ra (Preet Bharara), 5 nhân vật nói trên của Công ty Bernard L.Madoff đều có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống lừa đảo Ponzi và che giấu hệ thống này khỏi sự giám sát của các nhà quản lý, kiểm toán, thuế, người cho vay và các nhà điều tra. 

 

Đến nay, cả 5 bị cáo đều một mực khẳng định họ chỉ là nạn nhân của B. Ma-đóp. Luật sư của những người này cũng cho rằng, các thân chủ của họ do tin tưởng vào thành công của Công ty Bernard L.Madoff cũng như cá nhân “ông chủ B. Ma-đóp” nên đã mất hàng triệu USD đầu tư vào công ty này.

 

Những diễn biến nói trên cho thấy, xung quanh hệ thống "Ponzi" của M. Ma-đóp có thể vẫn còn rất nhiều “chân rết” quan trọng. Chưa có phán quyết cuối cùng dành cho các bị cáo, song vụ việc cũng một lần nữa gợi lại “nỗi đau để đời” của giới đầu tư tài chính trên toàn nước Mỹ./.

VŨ HÙNG