QĐND Online - Ngày 27-5, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong ngày thảo luận, nhiều đại biểu đã đi sâu phần tích, góp ý vào các quy định các thành phần kinh tế, để có thể phát huy được tốt nhất các điều kiện, nội lực của đất nước…
Khi phân tích về Điều 54, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) chỉ ra, thời gian qua, kinh tế nhà nước ở một số lĩnh vực đã giữ được vai trò chủ đạo, nhưng ở một số lĩnh vực vẫn còn tồn tại vấn đề bất cập. Có nơi còn để xảy ra tình trạng thất thoát, thua lỗ. Do vậy, cần cân nhắc, xem xét kỹ có quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo hay không? Vì nếu quy định như vậy, rất có thể sau này sẽ lại phải “bơm” vốn cho khu vực kinh tế nhà nước, tạo cơ chế xin cho, gây bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Từ đó đại biểu Vinh đề nghị cần nghiên cứu thận trọng quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
 |
Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến
|
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Vinh, nhiều đại biểu, như, đại biểu Thân Đức Nam (đoàn TP Đà Nẵng), đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) đều tán thành phương án 3: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Vì theo các đại biểu, đã đến lúc phải quan tâm hơn, khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Vì đây cũng là một thành phần kinh tế có nhiều đóng góp cho đất nước.
Đại biểu Nguyễn Minh Kha (đoàn TP Cần Thơ) và đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) ủng hộ phương án này và nhấn mạnh, không nên phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Hiện nay, muốn phát triển đất nước cần phải sử dụng tất cả các nguồn lực mới đem lại hiệu quả cao nhất. Mặt khác, theo hướng phát triển hiện nay, kinh tế nhà nước cũng đang tích cực cổ phần hóa, nên không có lý do gì lại phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Cũng trong ngày thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đã góp ý vào quy định Hội đồng Hiến pháp. Tuy còn có ý kiến trái chiều giữa các đại biểu, nhưng nhiều đại biểu cho rằng, không nên thành lập hội đồng này.
Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ, không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp vì theo như dự thảo, thêm hội đồng này cũng không có gì mới vì hội đồng chỉ có những quyền kiến nghị. Vì vậy, theo đại biểu Hà nếu có thành lập thì hội đồng này cần có quyền giải thích Hiến pháp. Cùng qua điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) chỉ ra, Hội đồng Hiến pháp như dự thảo chỉ là một cơ quan tham mưu, chưa thể hiện triệt để đúng ý tưởng của sửa đổi Hiến pháp. Nếu thành lập sẽ chồng chéo với một số cơ quan nhà nước hiện nay, bớt chức năng nhiệm vụ của một số Uỷ ban của Quốc hội (nhất là Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp).
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (đoàn TP Hải Phòng) cũng nhấn mạnh, hiện nay vẫn chưa định hình được trao cho hội đồng này quyền gì, đặt ở đâu? Do vậy, chưa nên thành lập mà chỉ nên tăng quyền cho các Ủy ban của Quốc hội.
 |
Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại tổ |
Trong buổi thảo luận, ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn TP Hà Nội) đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo đại biểu Quyền, nghiên cứu về thiết chế, chính trị và tổ chức bộ máy của nhiều nước trên thế giới cho thấy, hội đồng bảo hiến và đặc biệt là tòa án hiến pháp phát triển rất mạnh và hoàn thiện ở những thiết chế chính trị có nhiều đảng phái. Chỉ khi sự phân lập quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp lên đỉnh điểm thì hội đồng bảo hiến, tòa án hiến pháp mới phát triển và hoàn thiện để cho sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái và thậm chí sự xung đột quyền lực giữa 3 nhánh quyền lực nằm trong vòng “an toàn” - không ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia và lợi ích nhân dân. Nó gần như là nơi giả quyết mối mâu thuẫn giữa các đảng phái và sự phân chia quyền lực.
“Trong khi đó, Việt Nam đặt toàn bộ xã hội và nhà nước dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Việt Nam có hệ thống chính trị với rất nhiều tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội… được thực hiện dân chủ hóa... thì có cần phải có một bộ máy để phân chia các quyền lực nhà nước hay không khi mà quyền lực ở nước ta là thống nhất và thuộc về nhân dân” đại biểu Quyền phân tích.
Theo nguyên lý đó, đại biểu Quyền đề nghị không cần có tòa án hiến pháp và hội đồng bảo hiến. Còn chức năng của hội đồng bảo hiến thì thực ra là chức năng của Ủy ban Pháp luật làm từ trước đến nay. Không những Ủy ban Pháp luật, mà 9 Ủy ban và Hội đồng Dân tộc đều đã và đang làm để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bài và ảnh: XUÂN DŨNG