QĐND - Những ngày qua, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhìn lại bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thông qua ngày 9-11-1946 ta thấy giá trị to lớn ấy. Đó bản hiến pháp mẫu mực trong lịch sử lập hiến của nước ta, thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết tinh những giá trị cao cả của thời đại... 

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII vừa tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Nhất Ngôn

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc tỏ rõ sự trân trọng và khâm phục các thế hệ tiền bối khi lật giở lại bản Hiến pháp năm 1946. Mặc dù được soạn thảo và thông qua trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn, thời gian rất ngắn sau khi nước nhà giành được độc lập, nhưng Hiến pháp năm 1946 đã hội tụ đầy đủ các yếu tố của một bản Hiến pháp tiêu biểu, không kém bất cứ bản hiến pháp nào trên thế giới, kết tinh những giá trị cao cả của thời đại, thể hiện rõ tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng khát vọng của nhân dân về bảo vệ nền độc lập dân tộc, đoàn kết toàn dân. Theo Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc, những giá trị của Hiến pháp năm 1946 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, xây dựng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là việc sửa đổi hiến pháp sau này như về tư tưởng dân chủ, về quyền bình đẳng nam nữ, vấn đề kiểm soát quyền lực…

Nhà sử học Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng, tưởng như một nghịch lý khi đất nước Việt Nam chúng ta vừa thoát thai khỏi chế độ thực dân thuộc địa và 1000 năm phong kiến kéo dài, vậy mà chúng ta lại thực hiện được tất cả những bước đi để xây dựng một thể chế hết sức hiện đại thông qua bản Hiến pháp năm 1946. Xét trên nhiều góc độ, những gì là giá trị phát triển cao nhất của nhân loại về chính trị đã được thể hiện trong bản Hiến pháp năm 1946. Đây là bản hiến pháp mẫu mực, xác định được tất cả các quyền cơ bản nhất của con người như: Bình đẳng giới, bình đẳng về dân tộc, bình đẳng về tôn giáo... Một số nước phát triển châu Âu khi đó quyền bình đẳng nam nữ cũng chưa hề có, nhưng ở nước ta đã có và người phụ nữ được đi bầu cử.

Luật sư Đặng Thị Minh Châu (Công ty Luật ID-Gia Huy, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cũng khẳng định, Hiến pháp năm 1946 là một công trình lập hiến độc đáo của dân tộc Việt Nam với những giá trị lịch sử, chính trị và pháp lý to lớn. Những quy định của Hiến pháp năm 1946 đặt nền móng vững chắc cho nền lập hiến nước ta mà các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 sau này kế thừa. Hiến pháp năm 1946 có nhiều nội dung tiến bộ, phù hợp với điều kiện đặc thù đất nước ta và cũng là bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của khu vực Đông Nam Á thể hiện ở các giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý cùng với tính nhân văn cao cả, đáp ứng thỏa đáng khát vọng của nhân dân về bảo vệ nền độc lập và đoàn kết toàn dân.

Tuy chỉ gồm 7 chương, 70 điều, nhưng các quan hệ xã hội của nước ta trong Hiến pháp năm 1946 đã được thể hiện, điều chỉnh một cách hợp lý, rõ ràng, nhất là trong vấn đề về tổ chức quyền lực, tổ chức bộ máy nhà nước. Hiến pháp đã ghi nhận, đảm bảo các quyền con người như: Quyền tự do, dân chủ, bầu cử, ứng cử, bãi miễn; bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa; tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài, tự do tín ngưỡng; bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng giữa các dân tộc, quốc dân thiểu số, v.v..

Hiến pháp là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước từ thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2001) của Đảng đã xác định mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì nhân dân; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức tổ chức phân phối, nhằm phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do đó, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về triển khai Chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Theo Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quan điểm chỉ đạo của nội dung Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là việc “tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập hiến của một số nước trên thế giới về quy trình, cách thể hiện, kỹ thuật trình bày hiến pháp” để sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong thời gian tới.

Hiến pháp năm 1946 đã đặt nền tảng hiến định xây dựng đất nước, nhất là việc quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân. “Theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, việc nghiên cứu, tiếp thu những giá trị của bản Hiến pháp 1946 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; nhất là việc đổi mới và hoàn thiện mô hình chính thể; tổ chức quyền lực Nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; đổi mới tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp đến năm 2020; đổi mới các cấp chính quyền địa phương và đổi mới chế định về quyền và nghĩa vụ của công dân” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

Cũng theo Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc, muốn sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiệu quả, có giá trị lâu dài, cần phải thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ. Việc đánh giá tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 cũng chính là cơ sở quan trọng để sửa đổi, bổ sung vào bản Hiến pháp mới. Chỉ như thế mới bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tốt hơn quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

HOÀNG GIA MINH