QĐND - So với Hiến pháp năm 1992, Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74) Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã chia thành 3 khoản và có những bổ sung quan trọng về chủ thể có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, một số thuật ngữ cần chính xác hơn, đồng thời quyền của người bị thiệt hại cũng cần bổ sung cho đầy đủ.
Nên gọi là công dân đối với cá nhân khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo: Bản chất của quyền khiếu nại, tố cáo là quyền tự bảo vệ hợp pháp trước những hành vi vi phạm để tự bảo vệ mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích của xã hội. Chính vì vậy, khiếu nại, tố cáo là một hiện tượng khách quan trong đời sống xã hội. Tìm hiểu lại các quyền cơ bản của con người qua các bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992), thì thấy chỉ có Hiến pháp năm 1946 là chưa quy định quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, còn lại thông suốt các bản Hiến pháp sau đó cho tới nay, quyền này được quy định ngày càng chặt chẽ và rõ nét. Tôi hoàn toàn nhất trí với câu chữ tại Điều 31 bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 mà ban soạn thảo đưa ra. Tuy nhiên, cần cân nhắc lại cụm từ “mọi người” hay “công dân” tại Khoản 1, Điều 31. Theo tôi, việc gọi một cá nhân là gì không đơn giản là từ ngữ được sử dụng mà còn là vấn đề trách nhiệm. Nếu gọi là công dân thì hàm chứa cả trách nhiệm của cá nhân đối với Nhà nước và ngược lại trách nhiệm của Nhà nước đối với cá nhân. Khi cá nhân đặt trong mối quan hệ trực tiếp với Nhà nước thì cần được gọi là công dân, khi cá nhân không đặt trong mối quan hệ trực tiếp với Nhà nước thì không nên gọi là công dân mà có thể được gọi là người, mọi người. Các quy định nói đến người khiếu nại, tố cáo là công dân nên việc khiếu nại, tố cáo làm nảy sinh mối quan hệ trực tiếp giữa người khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, tôi kiến nghị Ban soạn thảo cùng cơ quan chức năng nên nghiên cứu, chỉnh sửa từ “mọi người” trong Khoản 1, Điều 31 thành từ “công dân” để phù hợp hơn.
Nguyễn Đức Hòa
(phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng)
Quy định quyền của người bị thiệt hại chưa đầy đủ: Nội dung Khoản 2, Điều 31 của bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo…”. Tôi rất mừng vì dự thảo đã thêm vào đối tượng phải giải quyết khiếu nại, tố cáo là “tổ chức, cá nhân”, không còn giới hạn chung chung là “cơ quan Nhà nước” như Hiến pháp năm 1992, trong đó có vai trò, trách nhiệm của cá nhân đứng đầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Điều này là rất cần thiết, đặc biệt là trong những năm gần đây, nhiều nơi số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gia tăng, tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản là cá nhân đứng đầu chưa chỉ đạo sát sao dẫn đến thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, chỉ nghe báo cáo rồi ra quyết định thiếu chính xác, hoặc đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng dẫn đến dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo hoặc đơn thư vượt cấp.
Tôi cho rằng, câu “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” còn chung chung, chưa bao hàm đầy đủ về quyền của người bị thiệt hại. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định nhân dân làm chủ đất nước và mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Để bảo đảm nhân dân có đủ các quyền trên, tôi đề nghị sửa câu này như sau: “Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án Dân sự, buộc phải bồi thường về vật chất, tinh thần và danh dự do quyết định của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định. Cơ quan, cá nhân ra quyết định trái pháp luật phải bồi thường và chịu sự xét xử của pháp luật”.
Đỗ Đăng An
(phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội)
Tố cáo không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ: Khiếu nại và tố cáo là một trong những phương thức thực hiện quyền tự do, dân chủ, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc trong nhân dân. Khiếu nại, tố cáo đều hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, khiếu nại, tố cáo có những khác biệt rõ ràng nên Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn nên mới được tách ra thành 2 luật riêng là Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, có hiệu lực từ ngày 1-7-2012 vừa qua. Đọc bản dự thảo tôi thấy Khoản 1, Điều 31 quy định “Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Quy định tuy đúng nhưng chưa đầy đủ. Với trách nhiệm của công dân, tôi đưa ra phương án bổ sung như sau: “Mọi người có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có quyền và nghĩa vụ tố cáo về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Sở dĩ tôi bổ sung tố cáo không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ vì khiếu nại là việc công dân yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi có căn cứ cho rằng quyền, lợi ích đó bị xâm hại bởi hoạt động quản lý hành chính Nhà nước. Trong khi đó, tố cáo là việc báo về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ ai gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Vì thế, khác với khiếu nại, người tố cáo là người có thể không có chút quyền, lợi ích nào liên quan đến hành vi tố cáo. Người tố cáo không được hưởng lợi ích trực tiếp nào từ việc tố cáo, giải quyết tố cáo mà còn có thể phải đối mặt với nhiều hiểm nguy từ người bị tố cáo. Nắm rõ điều này nên Khoản 2 Điều 10, Luật Tố cáo quy định ba nghĩa vụ của người tố cáo, nhưng không có nghĩa vụ tố cáo đến người có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, Khoản 1, Điều 31 quy định mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ đúng với khiếu nại mà không đúng với tố cáo.
Nghiêm Quốc Tuấn
(Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội)