Tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép đã được báo động từ nhiều năm nay ở Việt Nam. Chính vì vậy vấn đề bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững tài nguyên thiên nhiên ở nước ta đang trở nên bức thiết. Đó cũng là chủ đề trong hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Vân Long, Ninh Bình, một trong những khu bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Du lịch tại Khu bảo tồn Vân Long, một hình thức gắn bảo vệ môi trường tự nhiên với lợi ích của người dân địa phương

Gia tăng các loài động, thực vật bị đe dọa nguy cấp

Theo tài liệu của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta có hệ động, thực vật trong tự nhiên rất phong phú và đa dạng, đã ghi nhận được 16 nghìn loài thực vật, 21 nghìn loài động vật, được xếp hàng thứ tư trên thế giới về các loài linh trưởng và là nơi cư trú của 4 trong số 25 loài linh trưởng bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Mặc dù vậy, sự tồn vong của nhiều loài động, thực vật đang bị đe dọa ở mức nguy cấp. Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 đã thống kê được 882 loài động, thực vật bị đe dọa nguy cấp, tăng 161 loài so với giai đoạn 1992-1996. Bà Lê Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Nhiều nguyên nhân đang làm suy giảm các loài động, thực vật hoang dã như khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, sức ép gia tăng dân số; săn bắt, buôn bán động, thực vật không có kiểm soát…

Thực tế là tình trạng buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép đang ngày càng gia tăng, với quy mô ngày càng lớn. Số liệu được công bố tại hội thảo cho thấy, từ năm 1996 đến 2007, cả nước đã có hơn 14 nghìn vụ vi phạm về săn bắt, buôn bán động, thực vật hoang dã, tịch thu hơn 181 nghìn cá thể, với trọng lượng khoảng 635 tấn. Theo ước tính, số lượng động, thực vật hoang dã cung cấp cho thị trường Việt Nam mỗi năm khoảng 3.400 tấn, với hơn 1 triệu cá thể, trong đó số lượng gây nuôi chiếm 70%, khai thác bất hợp pháp chiếm 18% và nhập khẩu chiếm 12%. Trong khi tình trạng buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã gia tăng, thì theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các vụ vi phạm đều được phát hiện khi động vật đã được đưa về trại nuôi, việc phát hiện ngay khi săn bắt từ rừng tự nhiên là rất khó khăn. Chính vì vậy mà sau khi được cứu thoát, động vật hoang dã cần được chăm sóc, cứu hộ trước rồi mới trả lại môi trường tự nhiên, công việc này không phải dễ dàng khi mà cơ sở nuôi dưỡng động vật hoang dã thiếu thốn phương tiện, nhân lực và kinh phí hoạt động.

Gắn trách nhiệm bảo vệ với quyền lợi người dân

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ động, thực vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, việc hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan đến công tác này đang được tích cực tiến hành. Luật Đa dạng sinh học đã được Quốc hội thông qua và đã bắt đầu có hiệu lực, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã, ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép được Luật điều chỉnh. Theo TS. Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, một trong những điểm mới là Luật cho phép người dân làm ăn sinh sống kết hợp với bảo vệ môi trường hoang dã trong khuôn khổ pháp luật. Các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, trước đây không được kinh doanh, bây giờ Luật quy định họ được phép gây nuôi động, thực vật hoang dã, nguồn gây nuôi này có thể kinh doanh, khai thác, phục vụ trở lại cho công tác bảo tồn. Cả nước hiện nay có 144 khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích hơn 2 triệu héc-ta. Với nhiều khu bảo tồn, nguồn kinh phí, nhân lực, trang thiết bị phục vụ còn rất hạn chế, chủ yếu từ ngân sách, vì thế những quy định mới của Luật có thể giúp các khu bảo tồn phát triển đa dạng hơn.

Thực tế cho thấy, để bảo tồn hiệu quả môi trường tự nhiên cần có sự đồng thuận và góp sức của người dân sống bên cạnh khu bảo tồn. Ninh Bình là một trong những địa phương làm tốt việc gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái với quyền lợi của người dân. Tại Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, người dân tham gia vào bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan tự nhiên trong lành, từ đó biến khu bảo tồn thành nơi phát triển du lịch và nhiều dịch vụ khác, mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho chính họ. Khu bảo tồn này đang là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có khoảng 100 cá thể Voọc mông trắng, là nơi tập trung nhiều nhất cả nước và có thể quan sát được dễ dàng ngoài tự nhiên. Chính vì thế, đây không chỉ là địa điểm du lịch mà còn là nơi tìm đến của những nhà nghiên cứu, những người giàu tâm huyết với công tác bảo tồn động, thực vật hoang dã.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG