Để giữ vững và phát huy thành tích đạt được, lãnh đạo, chỉ huy khoa đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp sát thực, kịp thời cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, Phong trào TĐQT thực sự là động lực cho những đột phá mới; thúc đẩy cán bộ, giảng viên không ngừng sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH).

Đột phá nâng cao chất lượng giảng dạy

Đại tá, TS Nguyễn Thanh Lam, Trưởng khoa CHHC cho biết: "Với nhiệm vụ trung tâm là giảng dạy và NCKH thuộc lĩnh vực chỉ huy tham mưu hậu cần, khoa đã quán triệt sâu sắc chủ trương của học viện, tập trung đột phá đổi mới nội dung, chương trình dạy học theo hướng chuẩn hóa, liên thông giữa các cấp học, bậc học; thực hiện hiệu quả phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”...; đổi mới cách thức ra đề thi sát với chức trách đào tạo và thực tế bảo đảm hậu cần ở đơn vị, qua đó giúp nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho học viên sau khi tốt nghiệp".

Một tiết học tại Học viện Hậu cần. Ảnh: hocvienhaucan.edu.vn

Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng giảng dạy, Khoa CHHC xác định trước hết phải xây dựng được đội ngũ giảng viên vững mạnh. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ nhà giáo luôn được chú trọng. Để tạo động lực thi đua, khơi dậy mạnh mẽ khả năng sáng tạo, khoa triển khai hiệu quả các mô hình, phong trào thi đua, như: "Mỗi cán bộ, giảng viên là tấm gương sáng về tinh thần say mê học tập, công tác, sáng tạo"; các mô hình "Giờ giảng mẫu"; "Bài giảng mẫu"; "Ngày hoạt động phương pháp"… Các nền nếp bồi dưỡng giảng viên mới, giảng tập, giảng phương pháp, tham gia thi giảng viên dạy giỏi các cấp… được duy trì thường xuyên, nghiêm túc; kết hợp giữa phân công, đề nghị cử giảng viên đi học tập các bậc học, đi thực tế chức trách tại đơn vị với bồi dưỡng tại chỗ. Từ năm 2014 đến nay, khoa đề nghị 18 giảng viên đi học cao học, 10 giảng viên đi nghiên cứu sinh, 5 lượt giảng viên học tập ở nước ngoài, 7 đồng chí đi thực tế chức trách tại đơn vị; tổ chức 10 đoàn đi tham quan, khảo sát thực tế. Hiện nay, 70% giảng viên của khoa có trình độ sau đại học; một giảng viên giỏi cấp Bộ Quốc phòng, 9 giảng viên giỏi cấp học viện và 15 giảng viên giỏi cấp khoa.

Trung tá, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ nhiệm Bộ môn Chỉ huy tham mưu hậu cần, Khoa CHHC chia sẻ: "Công tác tại khoa chuyên ngành có số lượng học viên, đối tượng đào tạo đông đảo nhất ở tất cả các bậc học, đội ngũ giảng viên của khoa luôn xác định tốt nhiệm vụ, không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách”. Nhờ đó, nhiều đồng chí giảng viên có trình độ chuyên môn sâu, phương pháp giảng dạy hiện đại, hấp dẫn, tạo hứng thú và phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, giúp học viên lĩnh hội kiến thức hiệu quả hơn. Kết quả khảo sát thực tiễn ở các đơn vị trong toàn quân, 100% cán bộ hậu cần chuyên ngành chỉ huy tham mưu sau khi ra trường hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu theo chức trách, trong đó có hơn 80% hoàn thành nhiệm vụ khá và tốt. Kết quả trên là một trong những minh chứng cho hiệu quả của việc đột phá nâng cao chất lượng giảng dạy ở Khoa CHHC những năm qua.

 Xứng đáng lá cờ đầu thi đua

Cùng với quan tâm nâng cao chất lượng giảng dạy, Khoa CHHC rất chú trọng xây dựng tiềm lực khoa học. Hoạt động NCKH luôn bám sát thực tiễn công tác hậu cần trong quân đội, nhất là đối với những lực lượng mới, nhiệm vụ mới, công tác huấn luyện của học viện; tập trung nghiên cứu các công trình có tính thực tiễn, tính ứng dụng. Nhiều công trình, sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn giảng dạy, như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong tập bài hậu cần chiến đấu; xây dựng mô hình bảo đảm sinh hoạt trong huấn luyện dã ngoại cấp đại đội…

Khoa thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu cho giảng viên gắn với giao chỉ tiêu nghiên cứu cụ thể, phù hợp; phân công giảng viên nhiều kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ giảng viên trẻ. Đội ngũ giảng viên nhiệt huyết, chủ động tham gia nghiên cứu các đề tài, sáng kiến, viết giáo trình, tài liệu, tham gia Phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo", nhiều đồng chí được giải cao cấp toàn quân. Từ năm 2014 đến nay, khoa đã biên soạn được 104 giáo trình, tài liệu, chuyên đề giảng dạy cho các đối tượng; nghiên cứu 36 đề tài cấp bộ, ngành và học viện; nghiên cứu 9 đề tài khoa học tham gia Phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo", trong đó 5 đề tài đoạt giải cấp toàn quân.

Không chỉ đột phá nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ trung tâm, những năm qua, Khoa CHHC còn được biết đến là đơn vị mẫu mực, tiêu biểu trong xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, tập thể luôn đoàn kết, thống nhất, môi trường sư phạm tốt đẹp. Đảng bộ khoa nhiều năm liền đạt TSVM. Từ năm 2014 đến nay, khoa được Bộ Quốc phòng tặng 3 cờ thi đua; được học viện tặng 2 cờ thi đua và danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; có 8 đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân; nhiều đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Đại tá, TS Trần Ngọc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm khoa, khẳng định: "Phong trào thi đua đã tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu, cổ vũ cho những ý tưởng sáng tạo, những đột phá mới để nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính trị". Thời gian tới, khoa tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của học viện về xây dựng nhà trường thông minh, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô phỏng, trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy; ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu trong huấn luyện thực hành sát với thực tế chiến đấu; triển khai từng bước dạy học bằng tiếng Anh; tiếp tục đổi mới công tác giảng dạy và NCKH… Do vậy cần làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ thi đua đúng đắn cho cán bộ, giảng viên; bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả trong từng phong trào thi đua, xác định khâu đột phá trên các mặt công tác; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chỉ huy… xứng đáng là lá cờ đầu trong Phong trào TĐQT của Học viện Hậu cần.

BÙI DINH