QĐND - Ngành Điều tra hình sự (ĐTHS) Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, tiền thân là Công an Quân pháp, được tổ chức theo Sắc lệnh số 258/SL quy định về tổ chức và nhiệm vụ Công an Quân pháp thời kỳ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 19-11-1948. Ngày 26-7 -1997, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 984/QĐ-BQP công nhận ngày 19-11-1948 là ngày truyền thống của ngành ĐTHS quân đội. Trải qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan- chiến sĩ ngành ĐTHS đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, xây dựng ngành không ngừng lớn mạnh, lập công xuất sắc.
Đặc biệt, trong công tác quản lý tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, cơ quan ĐTHS các cấp đã tích cực, chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình vi phạm, tội phạm giúp Quân ủy Trung ương và thủ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và kỷ luật quân đội để có biện pháp chỉnh đốn, khắc phục những tồn tại, nhằm xây dựng quân đội vững mạnh. Các cơ quan ĐTHS đã dự báo cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tình hình vi phạm pháp luật, phạm tội; phát hiện nguyên nhân, điều kiện phạm tội, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, người chỉ huy các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả.
Trong công tác điều tra, giải quyết các vụ án hình sự, hằng năm ngành ĐTHS đã điều tra, xác minh hàng
 |
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung kiểm tra "Tủ sách Pháp luật" của Tiểu đoàn 2, Học viện Hậu cần (Ảnh: Xuân Dân)
|
nghìn vụ án, vụ việc các loại, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa để xảy ra trường hợp nào oan sai. Ngành ĐTHS đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị những chủ trương, biện pháp giải quyết, xử lý các vụ án đúng đắn và kịp thời, bảo đảm yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật. Thông qua công tác điều tra, cơ quan ĐTHS các cấp đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, góp phần vào việc duy trì kỷ luật, bảo vệ pháp luật và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Cơ quan ĐTHS các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Công tác 138 về thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy và các tệ nạn xã hội; phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Đối với công tác giam giữ, ngành ĐTHS luôn bảo đảm an toàn, đã giáo dục, cảm hóa được người bị tạm giữ, tạm giam nhận rõ tội lỗi, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, phục vụ hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Trong thi hành án phạt tù đã làm tốt công tác giáo dục, làm cho mọi phạm nhân nhận thức rõ tội lỗi, ổn định tư tưởng, yên tâm chấp hành án, thi đua học tập, cải tạo để hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác ĐTHS cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là việc nắm, quản lý tình hình vi phạm, tội phạm chưa thật vững chắc nên dự báo tình hình phục vụ cho công tác phòng ngừa có lúc chưa kịp thời. Kết quả điều tra các vụ án phức tạp chưa cao, chưa xác định rõ đối tượng. Công tác điều tra kỹ thuật, giám định kỹ thuật hình sự chưa được mở rộng trên nhiều lĩnh vực...
Trong điều kiện mới, các cơ quan ĐTHS quân đội có nhiệm vụ tiếp tục thực hiện chức năng tố tụng theo quy định của pháp luật và thực thi các nhiệm vụ: Quản lý tình hình vi phạm pháp luật và phạm tội hình sự trong toàn quân; điều tra các vụ án hình sự theo thẩm quyền; xác minh làm rõ các vụ việc theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và thủ trưởng Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy, Tư lệnh các Quân khu và tương đương; quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân và thi hành án hình sự; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ngành; nghiên cứu các đề tài khoa học về đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự; tham gia ý kiến xây dựng, bổ sung và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất và tổ chức thực hiện công tác xây dựng ngành về mọi mặt... Bên cạnh đó, trong từng thời kỳ, Bộ Quốc phòng còn giao cho cơ quan ĐTHS một số nhiệm vụ quan trọng khác.
Dự báo tình hình vi phạm pháp luật những năm tới tiếp tục diễn biến phức tạp, các loại tội phạm hình sự gia tăng và xuất hiện một số hành vi phạm tội mới mang tính chất xuyên quốc gia (lợi dụng công nghệ cao, môi trường, rửa tiền, sử dụng vũ khí nóng...). Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình" với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt, trong đó quân đội là một trong những trọng điểm chống phá. Do đó, tăng cường kỷ luật, pháp luật trong quân đội được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định là một trong ba khâu đột phá của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, với chức năng nhiệm vụ của mình, trước hết ngành ĐTHS cần phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có đức. Cán bộ là chìa khóa của mọi vấn đề và có ý nghĩa quyết định trong mọi công việc. Bác Hồ nói: “Cán bộ là cái gốc của công việc... Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Cán bộ phải vừa có đức, vừa có tài, nhưng đức là gốc. Vì vậy, ngành ĐTHS cần coi trọng đồng thời việc xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ với việc giáo dục phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị, lối sống, xây dựng hình ảnh người sĩ quan Quân đội nhân dân trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và chế độ XHCN; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; có thái độ kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; gắn bó chặt chẽ với nhân dân, “vì nhân dân phục vụ”.
Mặt khác, ngành ĐTHS cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch của Bộ Quốc phòng về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 theo tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 67 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Ngành cần nghiên cứu, đề xuất với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng mô hình tổ chức ngành ĐTHS theo hướng thu gọn đầu mối, bảo đảm tinh gọn, phù hợp với đặc thù chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của quân đội. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm; góp phần tích cực, quan trọng vào việc duy trì kỷ luật, bảo vệ pháp luật và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Công tác ĐTHS phải đặt dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Nghiệp vụ ĐTHS phải gắn với nhiệm vụ chính trị, quân sự của quân đội trong từng giai đoạn, lấy mục tiêu nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội và của LLVT nhân dân làm nhiệm vụ chính trị của mình. Ngành ĐTHS quân đội phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan tư pháp khác cùng cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả khởi tố, điều tra án hình sự, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án chưa rõ đối tượng.
Công tác khởi tố, điều tra phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan sai người vô tội; tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Ngành ĐTHS cần tích cực, chủ động làm tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; cấp ủy, chỉ huy các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật. Song song với công tác ĐTHS, việc quán triệt đường lối quan điểm của Đảng, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước phải được chú trọng, đặc biệt là trong việc quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo phạm nhân nhằm cảm hóa, giác ngộ người phạm tội trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Công tác ĐTHS phải tiếp tục góp phần quan trọng vào việc giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân, giữ gìn “kỷ cương phép nước” và tăng cường kỷ luật, pháp luật, ngăn ngừa những hành vi phạm pháp, giữ vững và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Với bề dày 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, tôi tin tưởng rằng cán bộ, chiến sĩ ngành ĐTHS quân đội nhận thức ngày càng sâu sắc về vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của mình, đoàn kết gắn bó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho, đóng góp và công hiến được nhiều thành tích hơn nữa.
Thượng tướng NGUYỄN THÀNH CUNG
Ủy viên Trung ương Đảng,Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng