LTS: Nhà trường quân đội là “chiếc máy cái” đào tạo đội ngũ cán bộ cho toàn quân và đội ngũ nhà giáo (ĐNNG) là lực lượng nòng cốt quyết định đến chất lượng giáo dục - đào tạo của các trường. Trước yêu cầu xây dựng quân đội và nhà trường quân đội trong giai đoạn mới, việc quan tâm xây dựng ĐNNG theo hướng “chuẩn hóa” cả về số lượng, chất lượng, phẩm chất, năng lực và bảo đảm các chế độ chính sách… sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của ĐNNG, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp “trồng người” của quân đội…

Bài 1: Kiện toàn đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu

Nhà trường quân đội hình thành và phát triển cùng với quá trình ra đời và phát triển của quân đội. Quá trình đó, công tác xây dựng ĐNNG luôn được các trường đặc biệt quan tâm, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có tuổi đời và tuổi quân phù hợp...

Chuẩn hóa tiêu chí và quy trình bồi dưỡng

Theo số liệu tổng hợp trong “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020”, ĐNNG toàn quân hiện có gần 12 nghìn người, trong đó có khoảng 800 tiến sĩ, hơn 2.600 thạc sĩ.

Để bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng ĐNNG, các nhà trường đều có chủ trương, kế hoạch lâu dài và cụ thể từng giai đoạn, từng bước “chuẩn hóa” về tiêu chuẩn, quy trình tạo nguồn giảng viên, đáp ứng yêu cầu kế cận, trẻ hóa, nâng cao trình độ, năng lực. Thiếu tướng Trần Tấn Hùng, Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: “Học viện chọn những học viên tốt nghiệp giỏi đào tạo trong và ngoài nước về làm giảng viên. Trước tiên, những đồng chí này sẽ được giao làm cán bộ quản lý học viên để tích lũy kinh nghiệm và học tập thêm ngoại ngữ để đạt chuẩn đầu vào cao học, sau đó mới đưa về các khoa làm trợ giảng, tiếp tục học cao học để trở thành giảng viên chính thức. Hiện ĐNNG của học viện có 965 đồng chí, số giảng viên trẻ chiếm hơn 53%”.

Giảng viên Học viện Phòng không-Không quân duyệt đội ngũ trong Lễ khai giảng năm học mới.

Cũng với quy trình tuyển chọn, bồi dưỡng như trên, những năm gần đây, Học viện Quân y đã yêu cầu giảng viên phải có trình độ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ sư phạm phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Những đồng chí này sẽ trải qua một cuộc “sát hạch” nghiêm túc của hội đồng giảng viên. Theo Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng, Phó giám đốc Học viện, năm đầu thực hiện theo tiêu chí trên chỉ có ¼ số ứng viên đủ điều kiện trở thành giảng viên. Với giảng viên trợ giảng, các bộ môn sẽ bồi dưỡng để giảng thử, thông qua hội đồng giảng viên của học viện đến lần thứ 3 mà vẫn không đạt yêu cầu thì sẽ bố trí công việc khác…

Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Hậu cần cũng lấy tiêu chí về ngoại ngữ, tin học làm cơ sở đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và xét thăng quân hàm của giảng viên. Năm đầu thực hiện đã có 20 đồng chí không đạt trình độ ngoại ngữ tiếng Anh (B1) phải tạm dừng xét thăng quân hàm. Thiếu tướng Vũ Văn Đức, Chính ủy Học viện cho biết: "Đến nay, trình độ ngoại ngữ của giảng viên nâng lên rõ rệt, số giảng viên được cử đi học tập ở nước ngoài ngày càng tăng, một số đồng chí đã có các bài báo khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài…”.

Thường xuyên kiện toàn

Khảo sát ở các trường cho thấy: Số lượng giảng viên về cơ bản luôn đủ theo biên chế, song số lượng thực tế tham gia giảng dạy luôn thiếu theo nhiệm vụ giảng dạy thường xuyên. Sở dĩ có việc này vì hàng năm số giảng viên đi học, đi thực tế luôn chiếm một tỷ lệ lớn, khoảng 15% trở lên. Khắc phục khó khăn trên, các trường đều có các biện pháp rất cụ thể, hiệu quả. Đại tá Nguyễn Văn Hiến, Phó chủ nhiệm Khoa Bắn súng (Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) cho biết: Số lượng giảng viên đi học, thực tế trong khoa hiện nay khoảng 30%, để hoàn thành chương trình giảng dạy, chúng tôi tập trung tham mưu sắp xếp kế hoạch thật khoa học, rút ngắn quy trình chuẩn bị bài giảng và động viên giảng dạy vượt giờ”.

Lãnh đạo, chỉ huy các trường đều đồng thuận cao với chủ trương kiện toàn ĐNNG theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Thiếu tướng Trần Tấn Hùng, Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự khẳng định: "Không những không tăng mà còn có thể giảm biên chế, nếu tăng cường ký hợp đồng mời những giảng viên có trình độ, năng lực, uy tín từ bên ngoài tham gia giảng dạy”. Đồng tình với quan điểm này, Chính ủy Học viện Hậu cần, Thiếu tướng Vũ Văn Đức cho rằng: “Việc kết hợp với trường trong và ngoài quân đội để giảng dạy sẽ vừa không tăng biên chế mà còn huy động được những giảng viên giỏi, nhiều kinh nghiệm vào giảng dạy…”. Đối với Học viện Quân y, những giảng viên lâu năm, có nhiều kinh nghiệm sau khi nghỉ hưu được Học viện ký hợp đồng tham gia giảng dạy. Với cách làm này, số lượng giảng viên không tăng mà chất lượng vẫn đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy.

Theo số liệu tổng hợp của Ban nghiên cứu soạn thảo “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020”, giảng viên ở các học viện, trường đại học cơ bản đủ, song số giáo viên ở khối trường quân sự quân khu, quân đoàn, tỉnh, thành phố còn thừa so với biên chế. Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi cần phải tích cực, chủ động điều động giáo viên từ nhà trường về đơn vị. Qua đó, sẽ tạo động lực để ĐNNG phát huy trình độ, kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, huấn luyện tại đơn vị…

Bài và ảnh: VŨ XUÂN DÂN