QĐND - Cuối năm 1964, Quân ủy Trung ương họp tổng kết công tác chỉ đạo quân sự 10 năm (1954-1964) và ra nghị quyết về “Tình hình và nhiệm vụ quân sự của Đảng”. Trong hội nghị này, Quân ủy Trung ương xác định: “… Đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng quân sự của địch...”.
Thực hiện nhiệm vụ trên cần phải có lực lượng mạnh trên chiến trường, vì vậy nhất thiết phải đưa bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào miền Nam. Trước năm 1964, ta cũng đã đưa lực lượng vào Nam, nhưng chỉ là các khung đơn vị. Trên chiến trường miền Nam, các quân khu cũng phải gấp rút xây dựng các trung đoàn chủ lực, chuẩn bị cho đánh tiêu diệt lớn quân địch. Theo phương hướng đó, ở miền Bắc, các đơn vị bộ đội chủ lực lúc này đã tăng lên gần 300.000 người. Các trung đoàn được đưa vào chiến trường dưới hình thức các đơn vị đủ quân, đủ trang bị theo biên chế. Năm 1964, các trung đoàn 101, 95, 18 (Sư đoàn 325) là những trung đoàn đầu tiên hành quân vào chiến trường.
Ở miền Nam, sau khi Bộ tư lệnh Miền được thành lập (tháng 10-1963) cũng bắt đầu thành lập các bộ chỉ huy chiến dịch và phát triển khối chủ lực cơ động. Miền Đông Nam Bộ thành lập được hai trung đoàn chủ lực (1 và 2), kết hợp với lực lượng đưa từ ngoài Bắc vào, ta dần xây dựng địa bàn này thành địa bàn đánh tiêu diệt lớn quân địch. Trên chiến trường Khu 5 cũng xây dựng được hai trung đoàn bộ binh (1 và 2) cùng một số tiểu đoàn pháo binh, đặc công... Như vậy đến cuối năm 1964, trên chiến trường miền Nam đã hình thành hai khối chủ lực cơ động, một khối từ miền Bắc hành quân vào, một khối phát triển từ lực lượng tại chỗ. Sự phát triển bộ đội chủ lực phải gắn với xây dựng các căn cứ địa làm chỗ đứng chân, vì vậy đã hình thành các căn cứ, chiến khu trên toàn chiến trường. Ở miền Đông Nam Bộ có các chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), Chiến khu Đ (Sông Bé), Rừng Sác, Hắc Dịch. Ở Tây Nam Bộ có căn cứ U Minh, Đồng Tháp v.v.. Khu 5 có các chiến khu ở Tây Nguyên và miền tây các tỉnh Trung Bộ. Các chiến khu nối với nhau thành thế liên hoàn khiến quân địch không thể phá vỡ.
Xây dựng bộ đội chủ lực cơ động trên chiến trường miền Nam đã dần làm thay đổi cán cân lực lượng giữa ta và địch. Từ cuối năm 1963 đến hết năm 1964, địch đã mở nhiều cuộc hành quân lớn trên khắp chiến trường với sự tham gia của hàng chục tiểu đoàn nhưng đều bị đánh bại. Điển hình là cuộc hành quân Đại Phong 35 (tháng 12-1963, Tây Ninh) có 13 tiểu đoàn địch tham gia; cuộc hành quân Sóng Thần 5 (tháng 1-1964, Bến Tre) có 16 tiểu đoàn địch tham gia; cuộc hành quân Quyết thắng 707 (tháng 12-1964, Bình Định) của Sư đoàn 22 ngụy… Đến tháng 1-1965, ta tiếp tục giành thắng lợi trong chiến dịch tiến công Bình Giã, tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn chủ lực, 1 chi đoàn M113, 2 đoàn xe cơ giới khác của địch; đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn biệt động quân, 7 đại đội bảo an… bắn rơi 56 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2000 tên địch.
Chiến thắng trong chiến dịch tiến công Bình Giã khẳng định sự lớn mạnh của bộ đội chủ lực, mở ra khả năng đánh tiêu diệt lớn quân địch và tiếp tục đẩy địch vào thế suy yếu trên toàn chiến trường.
TRẦN KIM HÀ