Đại tá Nguyễn Ngọc Quế. Ảnh: Lê Thành

QĐND - Trong những năm tháng “trường kỳ kháng chiến và kiến quốc”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144 (Bộ Tổng tham mưu) đã xây đắp nên truyền thống “Rắn như thép, vững như đồng, trong như gương”. Vậy ngày nay, việc rèn luyện bản lĩnh, tác phong người chiến sĩ cận vệ ở đơn vị được tiến hành như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Ngọc Quế, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 144.

- Nói đến bản lĩnh, tác phong người chiến sĩ cận vệ bao gồm những phẩm chất gì, thưa đồng chí?

- Đó là bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định; ý chí chiến đấu cao, trình độ quân sự giỏi và tinh thông trong xử lý các tình huống khi đảm nhận nhiệm vụ canh gác Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng; tham gia bảo vệ các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội; bảo vệ các cuộc diễn tập, các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc với Bộ Quốc phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác. Bản lĩnh, tác phong của người chiến sĩ cận vệ còn là lòng trung thành vô hạn với Đảng, với chế độ, với nhân dân, luôn hết mình vì nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức cách mạng “trong như gương” không gì có thể mua chuộc, lôi kéo được.

- Như vậy, việc tuyển chọn “chiến sĩ cận vệ” phải được đơn vị quan tâm đặc biệt?

- Đúng vậy. Lữ đoàn 144 là một trong những đơn vị được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ưu tiên trong việc lựa chọn con người. Đối với cán bộ được các cơ quan chức năng tiến hành thẩm định rất kỹ trước khi điều động về lữ đoàn công tác. Về chất lượng nguồn tuyển quân, cơ bản chiến sĩ về công tác tại Lữ đoàn 144 đều tốt nghiệp THPT, nhiều đồng chí tốt nghiệp đại học, cao đẳng; có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt. Trong tuyển quân hằng năm, do yêu cầu về chất lượng, nhất là chất lượng về phẩm chất chính trị, vì vậy, Lữ đoàn 144 thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tiến hành chặt chẽ các khâu trong tuyển chọn và gọi thanh niên nhập ngũ; chú trọng việc lựa chọn đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số, đặc biệt ở các vùng căn cứ cách mạng. Đây là chủ trương vừa thể hiện rõ niềm tin của Đảng, Nhà nước, quân đội, vừa là sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc, một thời đùm bọc, giúp đỡ cách mạng trong những ngày gian khó.

- Khi về đơn vị, công tác giáo dục chính trị để người chiến sĩ "trong như gương" được cấp ủy, chỉ huy lữ đoàn thực hiện như thế nào?

-  Là một đơn vị cận vệ, trực tiếp làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của Đảng, Nhà nước, quân đội nên công tác giáo dục chính trị luôn được chúng tôi quan tâm hàng đầu; là điều kiện tiên quyết để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị nhằm làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc về truyền thống đơn vị, xác định rõ vinh dự, trách nhiệm của bản thân trong học tập, phấn đấu trở thành người chiến sĩ cận vệ mẫu mực. Do vậy, công tác giáo dục chính trị được lữ đoàn thường xuyên đổi mới, sát với đặc điểm từng đối tượng. Đối với mỗi đơn vị phải cụ thể hóa công tác giáo dục chính trị bằng việc đầu tư thời gian giảng dạy cả chương trình chính khóa cũng như ngoại khóa. Đặc biệt, việc giáo dục ngoại khóa được tiến hành đồng loạt, cả trong giờ nghỉ, ngày nghỉ cũng như trong các hoạt động huấn luyện, SSCĐ của bộ đội. Thông qua mỗi hoạt động để bộ đội hiểu rõ mình hơn trong việc thể hiện sự mẫu mực về điều lệnh, chấp hành nghiêm kỷ luật, tinh thông nghiệp vụ, giỏi kỹ, chiến thuật và võ thuật; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, hằng năm 100% cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng phải xử lý.

 - Coi trọng công tác giáo dục chính trị, nhưng cũng không thể xem nhẹ việc tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thưa đồng chí ?  

- Ý thức sâu sắc về tính đặc thù của nhiệm vụ, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 144 đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ của đơn vị. Quá trình huấn luyện, lữ đoàn luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, huấn luyện sát nhiệm vụ, địa bàn, thực tế chiến đấu và có cường độ cao; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với SSCĐ, huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Bám sát chương trình huấn luyện quy định của Bộ, các đơn vị tập trung huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị có trong biên chế, giỏi về nghiệp vụ, có sức khỏe tốt, đủ khả năng hoạt động trong điều kiện cường độ cao. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn và cấp ủy các cấp hết sức chú trọng xây dựng nội dung phù hợp, sát với tính chất nhiệm vụ của từng phân đội. Ví dụ, đối với đơn vị cảnh vệ, kiểm soát quân sự, lữ đoàn tập trung huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc nghiệp vụ bảo vệ (kỹ thuật nhận dạng, kiểm tra, kiểm soát người và hàng hóa ra vào khu vực mục tiêu; Điều lệnh, Điều lệ của quân đội…), bảo đảm chuẩn mực về tư thế, lễ tiết tác phong, thuần thục các phương án chiến đấu bảo vệ mục tiêu… Với những biện pháp trên, kết quả huấn luyện các nội dung hằng năm, qua kiểm tra, 100% cán bộ, chiến sĩ đều đạt yêu cầu, có từ 75% đến 80% đạt khá, giỏi; đơn vị tuyệt đối an toàn.

- Xin cảm ơn đồng chí!

DUY THÀNH (thực hiện)