Một góc doanh trại Phân đội 17 (Đơn vị N50).

Những năm trước đây, nhắc đến Đơn vị N50 (Binh đoàn Cửu Long) là người ta lại nhớ đến một doanh trại nhỏ, trơ trọi bên những hàng thép gai bùng nhùng, oằn mình dưới cái nồng nực của nắng gió. Thế mà bây giờ, doanh trại ấy đã biến đổi thành “trang trại sinh thái” với một màu xanh ngút tầm mắt.

Mấy năm trước, chúng tôi về công tác tại Đơn vị N50 đúng vào dịp cái “nắng tháng 5” đang hoành hành khiến đời sống cán bộ, chiến sĩ vốn đã khó khăn lại càng thêm vất vả. Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của bộ đội thiếu đủ thứ. Đường đi trong doanh trại được đắp trên nền đất pha cát, lạo xạo và lổn nhổn đá. Mấy cây cỏ gấu, cỏ lác dẫu rất phù hợp với những vùng đất cằn cỗi nhưng cũng chỉ có thể mọc lác đác. Doanh trại oằn mình dưới cơn nắng hạn. Những căn nhà cấp 4 trơ trọi bên cạnh hàng thép gai bùng nhùng, đứng yên “chịu trận” trước bầu không khí nồng nực, oi ả như thiêu, như đốt. Cán bộ, chiến sĩ về đây nhận nhiệm vụ đều nói vui là “được phân công về vùng sa mạc”...

Chiến sĩ Đơn vị N50 phần đông đến từ Bến Tre, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh... Trong điều kiện doanh trại như vậy, một số chiến sĩ mới thường nảy sinh tư tưởng chán nản, không gắn bó với đơn vị.

Hồi đó, phong trào xây dựng môi trường, cảnh quan xanh-sạch-đẹp được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Cửu Long phát động rộng rãi đến các đơn vị. Nhưng trồng một cây hoa, mua một chậu cảnh cũng đều phải có tiền. Đời sống vốn đã khó khăn, vận động anh em quyên góp thì không đành... Đảng ủy, chỉ huy đơn vị tạm thời kêu gọi các phân đội tổ chức sinh hoạt dân chủ, hiến kế xây dựng môi trường doanh trại “xanh, sạch, đẹp”. Hóa ra, sức sáng tạo tuổi trẻ là không giới hạn. Chỉ trong buổi sinh hoạt đầu tiên, đã có chiến sĩ thuộc Phân đội 25 cho rằng:

- Ngoài hàng rào đơn vị có mấy cây bằng lăng mọc tự nhiên trông rất tốt, chắc chất đất ở đây phù hợp loại cây này. Hiện nay, đơn vị ta đang làm nhiệm vụ chăm sóc mấy chục héc-ta rừng phòng hộ do Binh đoàn giao, trong đó có rất nhiều bằng lăng, có thể lấy giống về trồng mà không mất tiền.

Quả đúng vậy, lần lượt 250 cây bằng lăng được trồng dọc các lối đi trong doanh trại lớn nhanh như thổi. Chỉ mất công mà không mất vốn đơn vị đã tạo nên những con đường rợp bóng bằng lăng, vừa lãng mạn, vừa “kinh tế”. Phát huy lợi thế đó, từng trung đội, đại đội trong đơn vị đều cử cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu về cây cảnh vừa tìm giống, vừa học cách chăm sóc, trang trí. Sau khi tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ ở từng phân đội thảo luận, làm rõ ưu điểm từng loại cây thì triển khai đồng loạt, tạo sự thống nhất trong cách quy hoạch doanh trại. Đại úy Trần Xuân Quảng, Đại đội trưởng Đại đội 2 khi đi rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng cho đồng bào lấy đất sản xuất ở Đồng Nai đã sưu tầm và học cách gây giống cây huệ tây. Đến nay, theo tính toán của cơ quan chính trị, hàng vạn cây huệ tây được trồng trong đơn vị. Với số lượng cây như vậy, nếu phải đi mua thì cũng tiêu tốn của đơn vị gần 100 triệu đồng. Thượng úy Hoàng Ngọc Thanh, cán bộ chính trị Phân đội 25, khi đi thâm nhập tuyển quân ở Trị An (Đồng Nai) thấy đồng bào có cách ghép cây mai chiếu thủy với cây lồng mứt, tạo nên một loại cây cảnh mới rất đẹp, đã tình nguyện ở lại thêm mấy ngày. Đến nay, Thanh là một trong những “chuyên gia” ghép cây và tạo thế cho hàng trăm cây lồng mứt được trồng trong doanh trại... Cứ mỗi người góp một chút công sức, một niềm đam mê, môi trường, cảnh quan đơn vị đổi thay trông thấy từng ngày.

Binh nhì Trần Tiến Đạt, quê ở Ba Tri (Bến Tre) là người cảm nhận rõ nhất những đổi thay của đơn vị mình. Đạt vốn có niềm đam mê cây cảnh từ nhỏ. Mấy năm trước, khi chưa nhập ngũ, Đạt đã từng đến Đơn vị N50 thăm người anh đang làm nhiệm vụ tại đây. Nhìn quang cảnh doanh trại còn nhiều thiếu thốn, Đạt thấy ái ngại cho người anh của mình. Thế rồi đến lượt Đạt trở thành chiến sĩ. Khi biết mình được biên chế về Đơn vị N50, lúc đầu, Đạt cảm thấy ngao ngán suốt chặng đường hành quân về đơn vị. Nhưng về đến nơi, quang cảnh đơn vị và bầu không khí thi đua làm đẹp doanh trại đã khiến Đạt thay đổi suy nghĩ. Bây giờ, Đạt là một trong những chuyên gia cắt bồn, tỉa cây chuỗi ngọc (một loại cây cảnh rất phù hợp chất đất trong đơn vị) và tạo dáng cây mai chiếu thủy. Có năng khiếu nên anh em, đồng đội bầu Đạt tham gia “tổ họa sĩ”, với nhiệm vụ trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ chỉ chuyên tâm cắt tỉa, tạo dáng các loại cây đơn vị ngày thêm đẹp. Được cán bộ, chỉ huy đơn vị góp ý, tay nghề của Đạt ngày càng được nâng cao.

Thiếu tá Bùi Văn Tân, Chỉ huy trưởng Phân đội 17 dẫn chúng tôi đi thăm “công viên Phân đội 17”, một khuôn viên văn hóa nhỏ rộng chỉ vài trăm mét vuông nhưng bạt ngàn các loài hoa và cây cảnh được bố trí hài hòa, xen lẫn là những hàng ghế đá phục vụ bộ đội đọc sách hoặc tâm tình lúc rảnh rỗi. Anh cho biết, chỉ trong hơn 3 năm qua, toàn bộ lớp đất đá sỏi bạc màu đã được cán bộ, chiến sĩ đào bỏ đi, thay vào đó là lớp đất phù sa màu mỡ dày 30-40cm qui hoạch thành những vườn hoa, khu tăng gia sản xuất. Cứ đến giờ thứ 9 là cả đơn vị thành một “hợp tác xã”. Ai cũng lăn lộn với bùn, với đất. Đến nay, doanh trại đơn vị đã trở thành một “trang trại sinh thái” đẹp. Ngay cả những vườn rau, khu chăn nuôi cũng được quy hoạch, bố trí xen kẽ trong những tán cây.

Trung tá Dương Xuân Độ, Chính ủy Đơn vị N50 “bật mí”:

- Từ những ý tưởng ban đầu còn sơ khai, đến nay việc triển khai xây dựng trong khuôn viên đơn vị trở thành một công viên lớn có diện tích 2,5 héc-ta đã được Đảng ủy, chỉ huy đơn vị thông qua và quyết tâm làm tốt. Chúng tôi đang nỗ lực đưa ý tưởng thành hiện thực để phục vụ cho đợt tham quan, rút kinh nghiệm của Tổng cục Chính trị và Quân khu tới đây.

Tiếng lành đồn xa”, phong trào xây dựng môi trường, cảnh quan xanh-sạch-đẹp ở N50 đã lan tỏa và vươn rộng khắp nơi. Rồi đây, họ sẽ trở thành một điển hình cho những đơn vị khác trong toàn quân đến tham quan, học tập. Nhưng điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất là vẻ đẹp doanh trại đã thực sự cuốn hút chính những cán bộ, chiến sĩ ở đây. Từ đầu năm đến nay, đơn vị không có trường hợp chiến sĩ đào ngũ, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường cũng thấp hơn dự kiến. Thành tích đó, có lẽ có sự đóng góp vô hình từ nỗ lực “cõng” màu xanh về “sa mạc” để xây dựng môi trường cảnh quan đơn vị ngày càng đẹp hơn.

Bài và ảnh: HỒNG NGUYỄN – PHƯỚC ĐẠT