QĐND Online – Năng động, sáng tạo, kiên quyết vượt lên mọi khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ bầu trời Tổ quốc, đó là những điểm chung ở các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến tham dự Đại hội Thi đua Quyết thắng (TĐQT) của Quân chủng PK-KQ lần thứ IV, giai đoạn 2009-2014, được tổ chức vừa qua….

Sư đoàn 370: Kết quả vững chắc từ huấn luyện chuyển loại máy bay

Sư đoàn không quân 370 là đơn vị không quân hỗn hợp của Quân chủng PK-KQ, hiện đang khai thác sử dụng 5 loại máy bay.

Hòa vào tiến trình xây dựng lực lượng tiến thẳng lên hiện đại của Quân chủng PK-KQ, ngay sau khi tiếp nhận các máy bay SU-30MK2, Sư đoàn không quân 370 nhanh chóng tổ chức huấn luyện chuyển loại máy bay, vũ khí, khí tài hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Trong những năm qua, Sư đoàn không quân 370 luôn quan tâm, chú trọng huấn luyện chuyển loại máy bay SU-30MK2.

Trong huấn luyện, đơn vị xác định huấn luyển chuyển loại, đào tạo phi công, tổ bay, cán bộ, nhân viên kỹ thuật tiếp thu máy bay thế hệ mới là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng cho Quân chủng và Sư đoàn; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ và sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn.

Nhằm tạo tiền đề cho huấn luyện chuyển loại máy bay mới hiệu quả, Sư đoàn không quân 370 đã chủ động lựa chọn các phi công có kinh nghiệm, đã bay giỏi ở một số loại máy bay, để chuyển sang lái loại máy bay hiện đại hơn. Nội dung huấn luyện chuyển loại được chú trọng vào những điểm khác, phát triển mới của trang bị khí tài mới và các tình huống bất trắc phải xử lý. Trước khi bước vào huấn luyện chuyển loại, đơn vị chủ động mở các lớp tập huấn, trong đó coi trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức khoa học, quản lý, làm chủ các thông số kỹ thuật cho cán bộ; bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ giáo viên huấn luyện bay và giáo viên chuyên ngành…

Xác định để làm chủ được máy bay và các trang thiết bị thế hệ mới, cần phải nâng cao trình độ hiểu biết về các thông số kỹ thuật mới, thành thạo các thao tác kỹ thuật và vững vàng trong xử lý các tình huống, do vậy Sư đoàn không quân 370 chú trọng huấn luyện các nội dung như: Bay củng cố, nâng cao trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường, ứng dụng chiến đấu ngày, đêm trên đất, trên biển; đánh máy bay tốc độ nhỏ, độ cao thấp; ép máy bay lạ, máy bay vi phạm quy tắc bay; các biện pháp tác chiến để sẵn sàng đối phó với vũ khí công nghệ cao; huấn luyện sử dụng vũ khí chính xác; thực hành bắn, ném bom; huấn luyện bay đường dài, địa hình phức tạp và sử dụng các loại vũ khí, trang bị, khí tài mới trên máy bay cho phi công, tổ bay…

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nói trên, nên trong những năm qua, công tác huấn luyện chuyển loại của Sư đoàn không quân 370 trên các máy bay SU-30MK2, SU-22M4, MI-171 cho phi công của đơn vị mình và đơn vị bạn luôn đạt 100% khá giỏi (trong đó 85-90% giỏi)…

Trung đoàn tên lửa 274: Bắn đạn thật-thước đo bản lĩnh, trình độ của bộ đội

Bắn đạn thật là nhiệm vụ quan trọng, là hình thức huấn luyện cao nhất để đánh giá trình độ, khả năng của bộ đội và chất lượng huấn luyện, khả năng SSCĐ của đơn vị; đồng thời kết quả bắn đạn thật là thước đo bản lĩnh tâm lý, kỹ năng, kỹ xảo trong thai tác sử dụng VKTBKT của các kíp chiến đấu. Nhận thức rõ vấn đề này nên trong những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn tên lửa 274 (Sư đoàn phòng không 377) luôn coi trọng nhiệm vụ huấn luyện bắn đạn thật.

Trước khi vào huấn luyện, đơn vị luôn tổ chức hội nghị, trong đó có rút kinh nghiệm các đợt thực hành bắn đạn thật những năm trước để xây dựng một quy trình huấn luyện chuẩn; tổ chức hội thao các kíp chiến đấu để tuyển chọn, kiện toàn, biên chế các thành phần có đủ trình độ, năng lực tham gia huấn luyện.

Trung đoàn tên lửa 274 được biên chế và triển khai huấn luyện, SSCĐ với hai loại khí tài tên lửa là Volga và Petrora. Trong ảnh: Thực hành bắn tên lửa Volga tìm diệt mục tiêu tạiTrường bắn Quốc gia TB1.

Trong quá trình huấn luyện, trung đoàn luôn tiến hành theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn tổ chức huấn luyện cơ bản (giai đoạn 1), đơn vị tập trung huấn luyện các kíp nắm được tính năng kỹ chiến thuật, quy tắc bắn mục tiêu M-100CT và các quy định chung, giới hạn cho phép, quy tắc an toàn, các bài tham số trong quá trình thực hành bắn; huấn luyện cho toàn kíp các thao tác cơ bản, đi sâu vào từng động tác cơ bản của từng thành viên. Trong giai đoạn huấn luyện nâng cao (giai đoạn 2), Trung đoàn chú trọng rèn luyện nâng cao bản lĩnh tâm lý cho bộ đội; huấn luyện từ bộ phận, khẩu đội tới toàn kíp; huấn luyện từ từng phần đến toàn bộ quy trình. Trong giai đoạn 3- giai đoạn huấn luyện tổng hợp, hoàn thiện các nội dung cả lý thuyết và thực hành theo một quy trình tổng hợp, Trung đoàn tập trung huấn luyện cho toàn kíp chiến đấu đủ trình độ làm chủ VKTBKT, xử trí thuần thục các tình huống có thể xảy ra khi thực hành bắn. Trong giai đoạn này, đơn vị huấn luyện nâng cao hoàn thiện về thao tác hiệp đồng giữa các cá nhân, các bộ phận và toàn kíp nhằm thực hiện tốt việc giao nhận khí tài, làm công tác chuẩn bị chiến đấu, bám sát nhanh và chính xác mục tiêu, bắn tiêu diệt mục tiêu. Ngoài ra, việc huấn luyện còn được thực hiện với các tình huống linh hoạt có thể xảy ra tại trường bắn…

Với việc tổ chức huấn luyện bài bản và chuyên sâu như vậy, nên trong các năm 2009 và 2011, các tiểu đoàn của Trung đoàn tên lửa 274 tham gia hội thao bắn đạn thật tại Trường bắn Quốc gia TB1 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt mục tiêu. Trong 4 năm qua (từ 2009-2013), Trung đoàn đều được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”…

Nhà máy A32: Nhiều đề tài, sáng kiến trong sửa chữa “chim sắt”

Nhà máy A32 (thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ) có nhiệm vụ chính là sửa chữa các loại máy bay phản lực chiến đấu cho các sư đoàn không quân.

Trong những năm qua, Nhà máy thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn chi phối như: Vật tư khí tài khan hiếm và không đồng bộ; máy bay đưa vào sửa chữa với mức độ hỏng hóc ngày càng nặng; cán bộ, công nhân viên vừa làm vừa tự huấn luyện chuyển loại, tài liệu công nghệ chưa đầy đủ, không có chuyên gia nước ngoài…

Nữ công nhân Nhà máy A32 tham gia sửa chữa máy bay, Ảnh: QĐND

Đứng trước những khó khăn như vậy, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy A32 xác định phải đẩy mạnh các phong trào thi đua và động viên toàn thể cán bộ, công nhân viên phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo.

Một trong những lĩnh vực hoạt động tiêu biểu của Nhà máy A32 trong phong trào TĐQT những năm qua, là phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Chỉ trong 5 năm (từ 2009-2014), Nhà máy đã có 276 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, khi đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đã tiết kiệm cho ngân sách quốc phòng hàng trăm tỉ đồng.

Đáng chú ý phải kể đến đề tài cấp Bộ Quốc phòng: “Ứng dụng công nghệ thông tin chế tạo thiết bị tự động kiểm tra hệ thống đường dây máy bay SU-22UM3K”.

Với việc ứng dụng các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật nói trên, Nhà máy A31 đã sửa chữa được nhiều sản phẩm với chất lượng cao và sửa chữa được nhiều loại sản phẩm mới như: Tổ hợp tự động lái; tổ hợp dẫn đường gần; tổ hợp ngắm bắn dẫn đường và các thiết bị la-de, hồng ngoại trên máy bay SU-27…

Ngoài ra, Nhà máy còn sản xuất được hàng nghìn loại vật tư kỹ thuật, trong đó có hơn 90% chi tiết phi kim loại và 75-80% các chi tiết bu-lông, ốc, vít, kẹp để thay thế trong quá trình sửa chữa kỹ thuật hàng không…

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ