QĐND - Ngày 23-10-1983, Đại đội 5 Thiếu sinh quân, thuộc Trường Văn hóa Quân khu 1 (đơn vị tiền thân của Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc, Quân khu 1 ngày nay) được thành lập. Nhà trường được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức văn hóa đạt trình độ THPT, trang bị kiến thức chính trị, quân sự và đào tạo một số ngành nghề cơ bản cho các em thiếu sinh quân là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, sau khi tốt nghiệp THPT tại nhà trường, các em có đủ điều kiện về văn hóa, sức khỏe tham gia cử tuyển vào các trường trong quân đội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận thăm phòng truyền thống Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc, Quân khu 1. Ảnh: T.H

Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của nhà trường là trình độ văn hóa của học viên không đồng đều, ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau. Để giải quyết “bài toán” này, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai đồng bộ các giải pháp; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với mục tiêu chuẩn hóa từng cấp học; tiến hành rà soát, bổ sung hoàn chỉnh chương trình đào tạo; tăng cường cập nhật kiến thức mới, toàn diện; đổi mới phương pháp huấn luyện phù hợp với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có; chú trọng gắn lý thuyết với thực hành; kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức cơ bản với bồi dưỡng đạo đức, kỹ năng sống; giữ gìn bản sắc, truyền sống văn hóa. Trong giảng dạy, đội ngũ giáo viên chú trọng trang bị cho học viên phương pháp và khả năng tư duy, tìm tòi, sáng tạo, tự học, tự rèn, tự nghiên cứu. Mặt khác, với đặc thù đối tượng đào tạo, nhà trường luôn “mềm hóa”, linh hoạt trong xây dựng nội dung chương trình và phương pháp giáo dục; thực hiện tốt phương châm "rèn đức, rèn sức, rèn tài", học tập văn hóa đi đôi với huấn luyện chính trị, quân sự. Những năm qua, tỷ lệ học viên thi đỗ tốt nghiệp của nhà trường đạt 100%; có 39 học viên đạt học sinh giỏi cấp tỉnh; có 21 đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật các cấp được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn.

Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học. Những hạn chế, bất cập trong công tác giảng dạy được điều chỉnh, sát với yêu cầu, mục tiêu đào tạo. Đội ngũ giáo viên kết hợp chặt chẽ phương pháp dạy học truyền thống với dạy học hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học viên; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học theo hướng khắc phục truyền đạt một chiều; giảm thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thời gian thực hành; coi trọng bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự giải quyết vấn đề, phát triển năng lực thực hành sáng tạo cho người học. Để khắc phục tình trạng “dạy chay, học chay”, nhà trường đã đầu tư các phương tiện dạy học hiện đại như: Máy vi tính, máy chiếu, thiết bị thực hành thí nghiệm. Hệ thống phòng học, giảng đường, phòng thực hành thí nghiệm, các thiết bị dạy học của nhà trường được đầu tư đồng bộ, hiện đại; hệ thống phòng máy vi tính với hơn 50 đầu máy phục vụ dạy học ngoại ngữ và tin học; thư viện tổng hợp với hơn 10.000 đầu sách tạo thuận lợi cho giáo viên, học viên cập nhật kiến thức mới. Hiện nay, 100% giáo viên của nhà trường có trình độ đại học; trong đó, trình độ sau đại học chiếm gần 7%; thường xuyên duy trì và tổ chức hội thao, hội thi, “tuần giảng kiểu mẫu”; đẩy mạnh phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt”.

Cùng với các nhiệm vụ trên, việc xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh có bản lĩnh chính trị vững vàng được Đảng ủy nhà trường quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ; kết hợp với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); kiên quyết nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục-đào tạo; xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Từ những chủ trương, giải pháp trên, những năm qua, nhà trường đã đào tạo gần 2000 thiếu sinh quân là con em đồng bào các dân tộc thiểu số như H’mông, Cao Lan, Sán Dìu, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Dáy... Từ mái trường này, nhiều thế hệ học viên đã ra trường, trở thành sĩ quan trong quân đội, cán bộ nòng cốt tại các địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển KT-XH tại địa bàn “phên giậu” phía Bắc của Tổ quốc.

Hiện nay, nhà trường đang tiếp tục triển khai nhiều chủ trương, giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, với quyết tâm phát huy truyền thống "Đoàn kết, sáng tạo, dạy hay, học giỏi, quản lý nghiêm, phục vụ tốt", nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xứng đáng là “vườn ươm” cán bộ các dân tộc vùng cao.

Đại tá ĐÀM VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc